Vừa truyền xong hóa chất, nam sinh mắc ung thư xin mẹ đến trường thi
Gần 867.000 thí sinh cả nước bước vào ngày thi đầu tiên Hà Nội không có thí sinh thi THPT thuộc diện F0, F1 |
Đội chiếc mũ lưỡi trai đến trường thi, Minh – chàng trai 18 tuổi mắc ung thư – vội vẫy tay chào mẹ. Nhưng chiếc mũ cũng không che được mái đầu trọc đã rụng hết tóc vì phải truyền hóa chất của em.
Lê Tiến Quang Minh vừa tròn 18 tuổi, là học sinh Trường THPT Mỹ Đức A (Hà Nội) là 1 trong gần 900.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Minh bước vào kỳ thi tốt nghiệp khi vừa trải qua đợt xạ trị lần thứ 5 cách đây vài ngày. Vật lộn với những cơn đau đầu liên tục, Minh cố gắng ôn tập bất kể lúc nào "tỉnh táo" với mơ ước trở thành kỹ sư Công nghệ thông tin và có thể tự thiết kế được một phần mềm riêng như Nguyễn Hà Đông.
Cú sốc của chàng trai 18 tuổi
Minh vốn rất khoẻ mạnh, thậm chí chưa từng ốm sốt. Nhưng cũng ở độ tuổi đẹp nhất, em lại biết mình mắc căn bệnh ung thư phần mềm cẳng chân.
Ban đầu chỉ là một cục hạch nổi lên ở phía bắp chân, khi ép vào thì thấy hơi đau tức, nhưng đó lại là một khối u ác tính.
“Không thể nào”, Minh sốc khi nhận được tin từ các bác sĩ tại Bệnh viện K. Rất nhiều câu hỏi bủa vây khiến Minh không dám nghĩ đến nữa.
Lê Tiến Quang Minh là học sinh Trường THPT Mỹ Đức A (Hà Nội)
“Con cần nhập viện điều trị gấp”. Đó là suy nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu chị Vũ Thị Lý, mẹ của Minh. Người phụ nữ đã từng trải qua cú sốc 12 năm về trước - khi biết tin chồng bị ung thư thận - giờ đây điềm tĩnh hơn trước tin dữ. Chị hiểu, đó cũng là cách duy nhất để nhanh chóng níu giữ lại sự an toàn cho con.
Phát hiện bệnh vào tháng 3/2020, chưa đầy một tháng, Minh bước vào cuộc phẫu thuật đầu tiên để cắt bỏ khối u. Em phải nghỉ học giữa lúc kỳ thi tốt nghiệp THPT đang cận kề.
Nhưng không còn đường lùi, hai mẹ con chấp nhận đi tiếp.
May mắn, cuộc phẫu thuật diễn ra an toàn. Minh bắt đầu bước vào phác đồ hóa trị của bác sĩ.
“Nhiều khi mệt và nản quá, em xin mẹ hay thôi không điều trị nữa”. Những lúc như vậy, người mẹ lại động viên con: “Hãy cố gắng vượt lên cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh này. Chỉ cần con cố gắng vượt qua, bằng giá nào mẹ cũng tìm cách cứu con”.
Khao khát viết được phần mềm riêng
Đợt truyền hoá chất thứ 5 kết thúc trước kỳ thi tốt nghiệp THPT vài ngày, Minh tha thiết xin mẹ cho về sớm để kịp chuẩn bị cho kỳ thi.
Chị Lý đắn đo vì sức khoẻ của Minh còn yếu quá. “Hay con cố thi đỗ tốt nghiệp thôi, chờ khoẻ hơn rồi năm sau mình lại thi đại học”, người mẹ động viên con.
Nhưng Minh nhất định không đồng ý. Ước mơ của em là thi đỗ ngành Công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Ngày hôm nay, Minh bước vào môn thi đầu tiên cùng rất nhiều sĩ tử khác.
Trở về từ bệnh viện, Minh mệt gần như không ăn uống được gì. Những cơn đau đầu liên tục khiến em không thể tập trung nhìn vào sách vở.
Nghỉ học nhiều làm thời gian ôn tập các môn bị hạn chế, do đó, tranh thủ bất kỳ lúc nào tỉnh táo, Minh lại lôi sách vở ra học.
“Giờ em học không tập trung được như trước nữa. Do vậy, em phải cố gắng chia nhỏ lịch ra sao cho cân bằng được tất cả các môn, trong đó sáng học Toán, chiều học Văn và tối học Anh”.
Ngoài Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Minh còn đăng ký thêm ngành Công nghệ thông tin của ĐH Thăng Long và ĐH Mỏ - Địa chất.
“Em luôn khao khát mình có thể tự thiết kế ra một phần mềm riêng, giống như anh Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird nổi tiếng khắp thế giới”, Minh nói.
Tổng thu nhập của cả gia đình chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng, để chữa trị cho con, chị Lý phải đi vay mượn khắp, bởi mỗi lần điều trị tốn cả chục triệu đồng. Dẫu vậy, chị vẫn động viên con: “Dù thế nào mẹ vẫn lo được cho con”.
“Minh nói đỗ đại học là mong muốn lớn nhất của con lúc này. Mình biết là con rất mệt và hiểu sức khoẻ mới là điều đáng quý nhất, nhưng vì con mong chờ nên mình vẫn động viên con cố gắng” - chị Lý nói.
Ngày hôm nay, Minh bước vào môn thi đầu tiên cùng rất nhiều sĩ tử khác. Ngay sau đó, em sẽ phải thực hiện đợt trị xạ thứ 6. Ôm con trước khi vào phòng thi, chị Lý động viên: “Cứ làm hết sức, không cần lo lắng gì, con nhé!”.