Vì sao đồng loạt các trường đại học xét tuyển bổ sung với chỉ tiêu "khủng"?
Những thí sinh điểm cao bỏ đại học chọn trường nghề Nhiều ý kiến đồng tình xem xét lại quy định xét tuyển đại học bằng điểm IELTS |
Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung
Tính đến ngày 7/9, đã có hơn 70 trường Đại học thông báo xét tuyển bổ sung năm 2023, với nhiều ngành “hot” và chỉ tiêu xét tuyển cao.
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết, các trường xét bổ sung ít nhất 100 - 200 chỉ tiêu, nhiều nhất lên tới 3.000 chỉ tiêu cho hầu hết các ngành học như Trường Đại học Văn Lang. Trường Đại học FPT thông báo tuyển sinh bổ sung 1.900 chỉ tiêu các ngành học “hot” là Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc. Cùng với đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng thông báo tuyển bổ sung 3.000 sinh viên cho 52 ngành đào tạo.
Thông báo xét tuyển bổ sung của Trường Đại học Văn Lang |
Nguyên nhân do đâu?
Đứng trước câu hỏi vì sao nhiều trường Đại học đồng loạt xét tuyển bổ sung với khoảng hơn 20.000 chỉ tiêu, Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, cho biết: "Năm nay, có một điều lạ hơn so với năm ngoái là tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học tương đối chậm". Tiến sĩ Hải bày tỏ một phần nguyên nhân khách quan có thể do trong thời gian xác nhận nhập học, số ngày nghỉ lễ kéo dài và thí sinh còn chờ tới những ngày cuối cùng.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải (giữa), Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân và thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM |
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng cho biết theo ghi nhận thực tế từ trường, thí sinh đến làm thủ tục nhập học chậm hơn năm trước, hiện mới khoảng 80%.
Đặc biệt, Tiến sĩ Võ Thanh Hải lý giải, năm nay có gần 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp, trong đó 660.000 thí sinh xét tuyển và trong số này có 92,7% trúng tuyển đợt 1. Với tỷ lệ nhập học bình quân ước tính 90% thì có khoảng 550.000 thí sinh, trong khi số chỉ tiêu vào đại học năm ngoái khoảng 575.000.
"Như vậy, chưa kể số xét bổ sung thì đợt 1 năm nay đã thấp hơn 25.000 thí sinh so với năm ngoái. Vì vậy, việc xét tuyển bổ sung là tất yếu cho dù năm nay các trường không tăng chỉ tiêu", ông Hải nói.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng lưu ý rằng, thí sinh cần đặc biệt chú ý thời gian và điều kiện xét tuyển bổ sung cụ thể của riêng từng trường. Có trường chỉ nhận hồ sơ trong 5 - 7 ngày, có trường kéo dài 10 - 12 ngày.
"Điểm xét tuyển bổ sung tối thiểu bằng điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1. Do đó, thí sinh cần xem mức điểm các trường nhận hồ sơ đợt bổ sung ở mức nào trước khi quyết định từ bỏ việc xác nhận nhập học. Điều này cần thiết trong trường hợp điểm thi không an toàn có thể dẫn đến nguy cơ không trúng tuyển năm nay", Tiến sĩ Hải nhấn mạnh.
Năm nay, cả nước hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học với 3,4 triệu nguyện vọng. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường được phép tuyển bổ sung đến tháng 12 nếu trường hợp vẫn thiếu chỉ tiêu.