Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - điểm sáng nền kinh tế Việt Nam
Hợp tác kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là đột phá giữa Việt Nam - Trung Quốc Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường |
Năm 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 23,1 tỷ USD, tăng 3.5% so với năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất và ấn tượng tính từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát từ năm 2020 và được kiểm soát hoàn toàn vào năm 2022 (năm 2020 giảm 25,0%; 2021 tăng 9,2%; 2022 giảm 11,0%).
Mức tăng 3,5% trong năm 2023 là minh chứng cho sức hút của môi trường đầu tư tại Việt Nam, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Ảnh minh họa. |
Tiếp nối đà tăng trưởng 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của bón tháng đầu trong 5 năm qua.
Từ những số liệu trên có thể thấy thu hút FDI chính là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế 4 tháng đàu năm, tạo khởi đầu thuận lợi cho năm 2024.
Trong 4 tháng đầu năm 2024 đã có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,59 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%; Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%; Trung Quốc 740,2 triệu USD, chiếm 10,4%; Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD, chiếm 10,3%; Đài Loan 512,3 triệu USD, chiếm 7,2%.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã đưa vốn vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu; tiếp theo là Hà Nội; Bắc Ninh đứng thứ ba; tiếp đến lần lượt là Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP HCM, Đồng Nai…
Mặc dù thu hút FDI trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực với tổng vốn đầu tư đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, đồng thời cũng là một bước phát triển tích cực so với quý đầu năm 2023, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh và có giải pháp phù hợp để ứng phó với các thách thức tiềm ẩn, đảm bảo thu hút FDI hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.
Theo nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thời gian tới, Việt Nam với đối mặt với các thách thức và rủi ro tiềm ẩn bao gồm: Bất ổn kinh tế toàn cầu khiến tình hình phục hồi kinh tế chậm; Xung đột Nga - Ukraina kéo dài dẫn tới tiến trình phục hồi của thế giới bị đình trệ; tác động của thuế tối thiểu toàn cầu; cạnh tranh thu hút FDI các quốc gia lân cận…