Vĩnh Phúc: Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội
Huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc): Nỗ lực để Xuân này hơn hẳn những Xuân qua Đền Đồng Bùa được công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Vĩnh Phúc: Chuẩn bị khai mạc lễ hội Đền Gia Loan - Chùa Biện Sơn |
Ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-SYT ngày 5/1/2024 kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, ngành Y tế tỉnh đã phòng ngừa, sẵn sàng đáp ứng điều trị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; bảo đảm năng lực thực hiện công tác kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đáp ứng với tình hình hiện nay; Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hỗ trợ tuyến dưới. Tổ chức đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, thống kê báo cáo, nghiên cứu ứng dụng triển khai hệ thống báo cáo điện tử cho tất cả các tuyến về công tác an toàn thực phẩm.
Các đơn vị y tế chuẩn bị các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất, thuốc,…; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn trong khám, cấp cứu, điều trị, xử lý kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Đồ ăn nhanh được bày bán tại một số lễ hội không có dụng cụ che đậy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ảnh: Kim Ly |
Mỗi dịp xuân về, tỉnh Vĩnh Phúc có hàng trăm lễ hội như: Lễ hội Tây thiên, lễ hội chọi trâu (Hải Lựu), lễ hội rước nước, lễ hội cướp bông, lễ hội đúc bụt, lễ hội xuống đồng… Các lễ hội diễn ra tại nhiều địa phương với những bản sắc và ý nghĩa truyền thống rất riêng. Tuy nhiên, cùng với đó là sự ra đời của các dịch vụ, trong đó dịch vụ ăn uống chiếm đa phần. Các quán cóc, hàng ăn nhanh "mọc lên như nấm", gây khó khăn cho các nhà quản lý, đồng thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Theo quan sát của nhóm phóng viên, tại lễ hội Đền Thính (Tam Hồng), bên cạnh dòng người tấp nập đổ vào Đền làm lễ, hàng trăm quán hàng rong, hàng ăn, nối đuôi nhau hai bên đường. Hàng nào thức ấy, được bày biện bắt mắt, chân gà nướng vàng rộm, xúc xích thơm lừng, hoa quả dầm, bún, phở nóng hổi…t hu hút khá đông khách du lịch.
Trước thực trạng trên, nhằm đảm bảo ATVSTP trong mùa lễ hội, Sở Y tế Vĩnh Phúc chỉ đạo các huyện, thị xã phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành xây dựng kế hoạch, tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn diễn ra lễ hội; thành lập đội kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo VSATTP trước, trong và sau lễ hội.
Trong đó, chú trọng những khu du lịch như Tây Thiên, Tam Đảo núi, Đại Lải,…; kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm; nguồn nước tại các cơ sở chế biến thực phẩm, hàng ăn; tổ chức ký cam kết đảm bảo VSATTP với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến, quán ăn uống, giải khát nhằm không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm; cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện VSATTP; chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người quản lý, chủ cơ sở, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc đảm bảo VSATTP cho du khách trước, trong và sau lễ hội; phối hợp với trạm y tế các xã, thị trấn cấp phát tờ rơi, tuyên truyền về VSATTP cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, giải khát, các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm; treo băng zôn, khẩu hiệu trên các trục đường khu vực diễn ra lễ hội.
Cùng với đó, Sở Y tế Vĩnh Phúc tổ chức 2 Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 đối với 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.