Vĩnh Phúc: 200 năm Vĩnh Tường – Văn hiến, tự hào và khát vọng

Vào năm 1822, trong công cuộc cải cách hành chính của triều Nguyễn, vua Minh Mệnh đã đổi tên từ phủ Tam Đa thành phủ Vĩnh Tường. Danh xưng Vĩnh Tường chính thức có từ đây với hàm ý là an toàn, vững chãi, dài lâu. 2 thế kỷ trôi qua đã đánh dấu một chặng đường đầy vẻ vang, kết tinh những giá trị truyền thống, văn hiến và đầy tự hào, khát vọng của người dân vùng đất này.
Vĩnh Phúc: Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huyện Bình Xuyên năm 2022Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Thông báo giao Quyền Chủ tịch UBND thị trấn Hợp ChâuVĩnh Phúc: Kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)

Vùng đất cổ nổi danh về truyền thống hiếu học, khoa bảng

Vĩnh Tường là một vùng đất cổ thuộc dải bồi tụ của sông Hồng, nằm phía Tây Nam tỉnh Vĩnh Phúc. Kết quả khảo cổ học và nghiên cứu của giới khoa học cho thấy, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 18 di chỉ khảo cổ học liên quan đến văn hóa Phùng Nguyên, riêng huyện Vĩnh Tường có 7 di chỉ, tiêu biểu như: di chỉ Lũng Hòa, Gò Mát (xã Lũng Hòa), di chỉ Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng), di chỉ Ma Cả, Đồng Hương (thị trấn Thổ Tang),… Điều này có nghĩa là, khoảng gần 4.000 năm trước đây, Vĩnh Tường là nơi cư trú của người Việt cổ.

200 năm Vĩnh Tường – Văn hiến, tự hào và khát vọng
200 năm Vĩnh Tường – Văn hiến, tự hào và khát vọng

Không chỉ vậy, Vĩnh Tường còn là vùng đất có truyền thống đấu tranh chống xâm lược từ lâu đời, gắn liền với các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngoại trừ những truyền thuyết trong huyền sử ở thời Hùng Vương, vào đầu công nguyên, Vĩnh Tường có bà Lê Ngọc Trinh, người làng Lũng Ngoại xã Lũng Hòa đã tập hợp 500 nghĩa binh theo phò Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định, giành độc lập đầu tiên cho nước nhà. Bà được phong tặng đại tướng quân, được Trưng Vương ban khen là “Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần”.

Đến thời Lý Cao Tông, ở Vĩnh Tường có Tướng quân Nguyễn Văn Nhượng có công đánh giặc Chiêm Thành, góp phần giữ yên bờ cõi Đại Việt, được làng Tứ Trưng (nay là thị trấn Tứ Trưng) thờ làm Thành hoàng. Thời Trần, khắp nơi trong huyện đã cùng Tướng quân Trần Nhật Duật đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm chiếm vào địa bàn của huyện. Thời Lê sơ, Nhân dân trong huyện hăng hái tham gia kháng chiến giúp nghĩa quân Lê Lợi lập chiến công hiển hách ở Bình Lệ Nguyên (Bình Xuyên), cầu Sa Lộc, thành Tam Giang. Thời nhà Nguyễn có Cử nhân Nguyễn Văn Giáp không phục tùng triều đình đứng lên chống Pháp, trở thành thủ lĩnh của phong trào Cần Vương. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ tổ quốc, những người con ưu tú của vùng đất Vĩnh Tường như: Đội Cấn, Nguyễn Thái Học, Lê Xoay, Nguyễn Viết Xuân,… đã đứng lên tổ chức, tập hợp quần chúng khởi nghĩa, hoặc trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần tạo nên thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Cùng với truyền thống đấu tranh chống xâm lược, Vĩnh Tường còn nổi tiếng khắp xứ Đoài với truyền thống hiếu học và khoa bảng. Tại đây vào thời Hồng Đức, một Văn miếu hàng phủ được lựa chọn để xây dựng tại xã Cao Xá (nay là xã Cao Đại), bởi đây là thủ phủ của phủ Tam Đới thời Lê. Dưới các tổng, xã và các thôn đều xây dựng Văn từ hoặc Văn chỉ lấy làm nơi thờ Tiên thánh, Tiên hiền cùng các nhà khoa bảng địa phương, nhằm tôn vinh trí thức, đề cao nhân tài, khuyến khích việc học cho người dân trong huyện. Vì thế, ở Vĩnh Tường có nhiều xã phát đạt khoa bảng, như: xã Vũ Di, với 05 người đỗ Tiến sĩ; xã Thượng Trưng cũng có 05 người đỗ Tiến sĩ…, đưa tổng số người đỗ Tiến sĩ của huyện là 22 vị. Toàn huyện cũng có khoảng 250 người đỗ Hương cống, Cử nhân ở các triều đại quân chủ.

Bia “Cảnh Trị Bát niên (No 1346) - Canh Tuất khoa Tiến sỹ đề danh ký” - ghi về Nguyễn Tiến Sách người làng Văn Trưng, huyện Bạch Hạc (nay là thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường) đỗ Tiến sĩ năm 1667, đặt tại Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội.
Bia “Cảnh Trị Bát niên (No 1346) - Canh Tuất khoa Tiến sỹ đề danh ký” - ghi về Nguyễn Tiến Sách người làng Văn Trưng, huyện Bạch Hạc (nay là thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường) đỗ Tiến sĩ năm 1667, đặt tại Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội.

Do nằm ở vị trí cao nhất phía thượng nguồn của tam giác châu thổ sông Hồng, Vĩnh Tường được biết đến là nơi tụ thuỷ, tạo nên cảnh trí hữu tình của vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu, có sức thu hút con người đến khai phá, sinh cơ lập nghiệp. Trong suốt chiều dài lịch sử, nơi đây đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng với: 01 di tích cấp Quốc gia Đặc biệt; 19 di tích cấp Quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 74 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, tiêu biểu như: đình Thổ Tang, đền Đá Phú Đa,... Đây thật sự là một bộ phận quan trọng của trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, là tài sản vô giá của các thế hệ người dân Vĩnh Tường trao truyền lại cho thế hệ sau.

Cái nôi của phong trào cách mạng

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Vĩnh Tường tự hào là một trong những địa phương có tổ chức cơ sở Đảng sớm của tỉnh Vĩnh Yên, là cái nôi của phong trào cách mạng của tỉnh, có nhiều cơ sở cách mạng đóng góp vào việc bảo vệ các cơ quan của Xứ ủy, Tỉnh ủy. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân trong huyện đã nêu cao tinh thần yêu nước, anh dũng, kiên cường giành nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, thống nhất đất nước, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau 20 năm hợp nhất với huyện Yên Lạc thành huyện Vĩnh Lạc, ngày 01/01/1996, huyện Vĩnh Tường được tái lập và đi vào hoạt động. Với ý chí mạnh mẽ, một khát vọng lớn lao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Tường đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong phát triển kinh tế, nhịp độ tăng giá trị sản xuất bình quân tăng từ 6% giai đoạn 1996 - 2000 lên 12,27 % giai đoạn 2015-2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tính đến nay so với năm đầu tái lập (năm 1996) tỷ trọng Nông nghiệp giảm mạnh từ 75,3% xuống còn 15,51%; Công nghiệp - Xây dựng tăng nhanh, từ 10,4% lên 54,58%; Dịch vụ tăng từ 14,3% lên 29,88%. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,1 triệu đồng/năm tăng lên 58,5 triệu đồng/năm. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với thị trường. Vĩnh Tường là huyện đi đầu của tỉnh trong thực hiện Dồn thửa đổi ruộng góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển. Không chỉ sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Tường còn năng động trong phát triển Công nghiệp, dịch vụ. Đến nay, toàn huyện có 09 khu, cụm Công nghiệp. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn Vĩnh Tường.

Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên, nằm trong tốp đầu của tỉnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác phòng chống dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, hiệu quả; an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,55%. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, được chú trọng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững; hệ thống chính trị ngày càng hoạt động có hiệu quả; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, hiện đại; diện mạo đô thị và nông thôn của Vĩnh Tường đã thay đổi rõ nét; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Ghi nhận những những thành tích đã đạt được, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp” cho huyện và 14 xã, thị trấn trong huyện. Có 407 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhiều người con quê hương Vĩnh Tường đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc được Đảng và Nhà nước trao tặng, truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân như: Chu Văn Khâm, Bùi Anh Tuấn, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Văn Thoa, Bùi Tiến Hợp; tiêu biểu là anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội pháo cao xạ với lời hô “Nhằm thẳng quân thù, bắn” đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, thôi thúc hàng triệu trái tim của tuổi trẻ Việt Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương độc lập, Huân chương kháng chiến cùng nhiều Bằng khen, Cờ các loại; 52 gia đình và 11 cá nhân được tặng Bằng có công với nước và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Có thể nói, vùng đất cổ linh thiêng Vĩnh Tường với truyền thống đấu tranh chống xâm lược từ lâu đời; hệ thống di sản văn hóa đậm đặc mang sắc thái của văn hóa xứ Đoài - một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa; truyền thống hiếu học, khoa bảng đầy vinh hiển; người dân cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo;… chính là cội nguồn giá trị truyền thống đáng tự hào, tạo nên sức mạnh và khát vọng để Vĩnh Tường đột phá vươn lên trở thành thị xã trong những năm 20 của thế kỷ XXI.

Lê Nguyễn Thành Trung- Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường
Phiên bản di động