Viettel, VNPT có dữ liệu điện tử của hơn trăm triệu thuê bao Việt Nam
Sáng 13/9, tại trụ sở Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã diễn ra buổi họp của ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử.
Tại đây, ban soạn thảo đã chia sẻ các nội dung vừa được thông qua tại Nghị quyết 44/NQ-CP. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định về định danh và xác thực điện tử sẽ quy định về định danh điện tử và xác thực điện tử trong các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, bao gồm việc cung cấp, quản lý và sử dụng định danh, xác thực điện tử.
Buổi họp của ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Ảnh: Trọng Đạt |
Định danh điện tử có giá trị pháp lý trong các giao dịch điện tử. Khi đáp ứng các yêu cầu và quy định của bên cung cấp dịch vụ, định danh điện tử có giá trị pháp lý tương đương với việc sử dụng giấy tờ định danh tương ứng trong đời thực.
Đối tượng áp dụng của Nghị định sẽ là các cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước. Nghị định cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân nhân ngoài nhà nước tuân thủ các quy định tại Nghị định này khi tham gia giao dịch điện tử.
Mô hình định danh và xác thực điện tử tại Việt Nam sẽ bao gồm Tổ chức cung cấp thông tin bổ sung (Attribute Provider - AP), Tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử, Tổ chức cung cấp dịch vụ (Service Provider), Nền tảng xác thực (Authentication Platform) và người sử dụng.
Việt Nam không làm theo mô hình định danh đơn nhất (chung 1 mã định danh cho tất cả các loại dịch vụ) mà sẽ làm theo mô hình liên hiệp định danh, sử dụng CSDL có sẵn của các bộ, ban, ngành.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, do đặc thù của mình, Việt Nam không phát triển mô hình định danh đơn nhất (chung 1 mã định danh cho tất cả các loại dịch vụ) mà sẽ làm theo mô hình liên hiệp định danh. Ảnh: Trọng Đạt |
Về hiện trạng các CSDL thông tin định danh tại Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông hiện nắm nhiều CSDL nhất với khoảng 132,5 triệu dữ liệu thông tin thuê bao. Kế đó là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với 81,3 triệu CSDL về BHXH, Ngân hàng với 78 triệu dữ liệu cá nhân, Tổng cục Thuế với 50 triệu dữ liệu cá nhân của người nộp thuế và doanh nghiệp, Bộ Tư pháp với 17,6 triệu hộ tịch điện tử công dân.
Hiện tại, Bộ Công an đang nắm trong tay 13,1 triệu CMND/CCCD. Trong thời gian tới, Bộ Công an dự kiến sẽ cập nhật 96 triệu dữ liệu công dân từ CSDL Quốc gia về dân cư.
Theo đề nghị của ban soạn thảo Nghị định, Bộ TT&TT sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về định danh và xác thực điện tử. Trong đó có việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật.
Song song với điều này, Bộ TT&TT sẽ quản lý, vận hành nền tảng xác thực điện tử quốc gia, đồng thời thực hiện đánh giá, kiểm tra, thanh tra việc cung cấp và sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử.
Văn phòng Chính phủ sẽ quy định việc định danh và xác thực điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Vai trò của các bộ, ngành, địa phương là triển khai, xây dựng ứng dụng định danh, xác thực điện tử đáp ứng điều kiện quy định.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Nghị định về định danh và xác thực điện tử cần có các quy định chặt chẽ, thế nhưng cũng phải cân nhắc làm sao để khuyến khích đượcsự phát triển. Tuy là vậy, một số quy định cứng như điều kiện cấp phép phải được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng đề nghị ban soạn thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử cần bám sát theo tinh thần Nghị quyết 44 của Chính phủ.