Giải quyết “điểm nghẽn”, thúc đẩy trường đại học đổi mới sáng tạo

Để thúc đẩy các trường đại học tiên phong trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ mới thì cần phải tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, cũng như sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, có giải pháp gắn kết giữa “3 nhà” (Nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp).
Khai mạc Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 Học viện Ngân hàng ra mắt Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Báo Tuổi trẻ Thủ đô tiên phong, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo

Thiếu sự liên kết giữa “3 nhà”

Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 16/5, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho hay, tại Việt Nam, trong những năm qua, bức tranh KHCN và ĐMST trong các cơ sở giáo dục đại học đã có bước chuyển biến ban đầu tích cực, số công bố quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học đã tăng hơn gấp đôi sau 5 năm, góp phần đưa xếp hạng khu vực, quốc tế của các trường tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế, thì sự phát triển giáo dục đại học nói chung và KHCN, ĐMST trong trường đại học nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu.

Một trong những nguyên nhân là do ý thức về vai trò KHCN, ĐMST trong phát triển của chính các nhà trường. “Các vấn đề về ĐMST, chuyển giao tri thức, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ khởi nghiệp, spin-off /start-up chưa được quan tâm đúng mức” – ông nói.

Giải quyết “điểm nghẽn”, thúc đẩy trường đại học đổi mới sáng tạo
Các chuyên gia thảo luận về thúc đẩy trường đại học, cao đẳng đổi mới sáng tạo

Nhận định thêm về nguyên nhân, TS Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh “điểm nghẽn” là cơ sở pháp lý. Đó là, việc hình thành, quản lý, vận hành có hiệu quả các tổ chức ĐMST, các doanh nghiệp KHCN trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ sở pháp lý chưa được hoàn thiện, cụ thể như chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp ĐMST, khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KHCN còn thiếu vắng sự gắn kết, liên kết, kết nối giữa 3 nhà (Nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp), không chỉ có mạng lưới sinh viên mà cả mạng lưới các nhà khoa học hay mạng lưới các cựu sinh viên, không chỉ trong một ngành, một trường, mà phải có tính liên ngành, liên trường, liên viện,...

Trường đại học phải tạo ra năng lực bán sản phẩm

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holding, các trường đại học cần liên kết với nhau để xây dựng một hệ sinh thái ĐMST, vì bản chất của ĐMST là tính liên kết. Chính vì thế, việc ra đời Mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam rất có ý nghĩa trong gắn kết, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức có cùng chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển tri thức khu vực đại học, cao đẳng.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Phạm Hồng Quất chia sẻ: “Chúng tôi vẫn nói rằng, các thầy trong trường đừng tự đi bán sản phẩm mà hãy bán năng lực tạo ra sản phẩm. Đó là thúc đẩy nghiên cứu, ĐMST, khởi nghiệp trong nhà trường”.

Giải quyết “điểm nghẽn”, thúc đẩy trường đại học đổi mới sáng tạo
Ông Phạm Hồng Quất: "Các thầy trong trường đừng tự đi bán sản phẩm mà hãy bán năng lực tạo ra sản phẩm".

Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực, cố gắng trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các chính sách, pháp luật cụ thể nhằm xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ và và ĐMST trong các trường đại học, viện nghiên cứu,... Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều đề án để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ thống ĐMST quốc gia như Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Chương trình 897 "Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030”.

Ông Tạ Đình Thi cho rằng, Nghị định này đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề về tổ chức và quản lý hoạt động KHCN và ĐMST, nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh, phát triển tiềm lực KHCN trong cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt là, Nghị định quy định, cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Đây là tiền đề để thúc đẩy việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ, chuyển giao, thương mại hoá trong trường đại học.

Cũng theo ông, việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ tới đây cần được xem xét tổng thể các vướng mắc về pháp lý, đồng thời phải đón bắt được những xu hướng đổi mới giáo dục đại học của thế giới, trong đó có đại học định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đại học khởi nghiệp, chú trọng tinh thần, năng lực ĐMST và khởi nghiệp người học.

Đặng Duyên
Phiên bản di động