Ứng dụng AI như thế nào trong phát triển thành phố thông minh?

Sáng 22/7, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Trao đổi về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố và giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội trên địa bàn thành phố".
Hà Nội nằm trong số các thành phố thông minh nhất thế giới Nhiều giải pháp về giao thông, môi trường cho đô thị thông minh Thành phố thông minh: Lấy con người làm trung tâm

Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Hà Nội, 2 chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo gồm GS.TS Khoa học Hồ Tú Bảo và GS.Nguyễn Lê Minh; đại diện Ban, Sở, ngành của TP Hà Nội; ông Vũ Phi Long – Tổng giám đốc Công ty Mobifone Global cùng một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực công nghệ.

Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các trường đại học

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - một mũi nhọn, được dự báo trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ AI làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế.

Ứng dụng AI như thế nào trong phát triển thành phố thông minh?
Đồng chí Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát biểu

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 về việc ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 57/KH- UBND ngày 8/2/2024 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024, trong đó có các nhiệm vụ về phát triển dữ liệu số; xây dựng, phát triển các ứng dụng chuyên ngành (ứng dụng các công nghệ tiên tiến sử dụng trí tuệ nhân tạo) phục vụ nội bộ các cơ quan nhà nước của thành phố và giao các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.

Ứng dụng AI như thế nào trong phát triển thành phố thông minh?
Toàn cảnh Hội thảo

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội hy vọng, qua hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp công nghệ sẽ mang đến cái nhìn tổng quan về AI, đồng thời có những ý tưởng, đề xuất, giải pháp, góp phần giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng Thành phố thông minh.

Tại hội thảo, chuyên gia, GS.TS Hồ Tú Bảo đã trình bày quan điểm về việc TP Hà Nội cần ứng dụng AI như thế nào trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh. Theo chuyên gia này, dữ liệu là cốt lõi của việc dùng AI, do đó, điều quan trọng là Hà Nội thì phải tổ chức học tập cho cán bộ, viên chức, để họ hiểu về AI, về dữ liệu, nâng cao năng lực AI của bản thân, đồng thời, TP cần đặt AI trong hệ sinh thái chuyển đổi số.

Ứng dụng AI như thế nào trong phát triển thành phố thông minh?
Các đại biểu Ban, Sở, ngành của TP Hà Nội và các doanh nghiệp tham dự Hội thảo

Là người tham gia xây dựng Đề án 06, có kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại TP Hồ Chí Minh, GS.TS Hồ Tú Bảo nhận thấy, TP Hồ Chí Minh có sự phối hợp chặt chẽ với các trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ để triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ nói chung trong giải quyết các vấn đề bức thiết của thành phố. “Hà Nội cần phải thúc đẩy điều này trong thời gian tới” – ông nói.

AI giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của TP Hà Nội

Tại hội thảo, đại diện Sở Y tế Hà Nội, Công an TP Hà Nội… cũng đặt câu hỏi về những lĩnh vực cụ thể mà AI có đưa vào để ứng dụng. Trước câu hỏi của đại diện Sở Y tế Hà Nội về việc AI có thể đưa ra những chẩn đoán điều trị như thế nào, GS.TS Hồ Tú Bảo cho rằng, trước mắt, AI nên được dùng trong việc thu thập dữ liệu để TP có bức tranh về chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng, tình trạng bệnh tật, tình trạng sức khỏe… “Đối với việc ứng dụng để chẩn đoán và ra phác đồ điều trị thì cần đường dài hơn” – ông nói.

Ứng dụng AI như thế nào trong phát triển thành phố thông minh?
GS.TS Hồ Tú Bảo giải đáp những câu hỏi từ đại diện các Ban, Sở, ngành của TP Hà Nội về ứng dụng AI trong các lĩnh vực y tế, văn hóa,...

Đối với lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC), đại diện Công an TP Hà Nội (CATP) cũng cho hay, vừa qua, CATP đã ứng dụng AI trong đảm bảo an ninh trật tự nói chung, an toàn giao thông nói riêng. Tuy vậy, với quyết tâm “ở đâu có dân thì phải có phương án chữa cháy”, CATP hy vọng có thể ứng dụng được AI vào việc cảnh báo cháy trong toàn dân.

Ứng dụng AI như thế nào trong phát triển thành phố thông minh?
Đại diện CATP Hà Nội đặt câu hỏi với các chuyên gia về ứng dụng AI trong PCCC

Về vấn đề này GS Lê Minh gợi ý, đặc thù ở Hà Nội là các ngõ, ngách rất nhỏ, do đó, trước tiên nên ứng dụng AI vào việc thu thập dữ liệu, xây dựng các bản đồ để theo dõi ngõ nọ, ngách kia bị chướng ngại như thế nào để có phương án chữa cháy phù hợp bên cạnh lắp các thiết bị cảnh báo cháy thông minh.

Ứng dụng AI như thế nào trong phát triển thành phố thông minh?
GS Lê Minh giải đáp câu hỏi của đại diện CATP Hà Nội về ứng dụng AI trong PCCC

Nhiều giải pháp thực tiễn, khả thi

Cũng tại hội thảo, nhiều giải pháp khả thi được các doanh nghiệp công nghệ giới thiệu trong vấn đề quản lý giao thông, an ninh trật tự, trật tự đô thị, nhận diện hành vi. Ông Trương Đức Hiếu, Trưởng phòng công nghệ số (Công ty Mobifone Global) đưa ra giải pháp quản lý camera tập trung mCentralized.

Theo ông Hiếu, xu hướng lắp đặt camera để quản lý dân cư trên thế giới đã ngày một tăng, điển hình như: Số lượng camera đã đầu tư lắp tại Trung Quốc: 200 triệu, Mỹ: 50 triệu, Nga: 13,5 triệu, Đức: 5,2 triệu.

Ứng dụng AI như thế nào trong phát triển thành phố thông minh?
Ông Trương Đức Hiếu, Trưởng phòng công nghệ số (Công ty Mobifone Global) giới thiệu giải pháp quản lý camera tập trung mCentralized.

Tại Việt Nam, Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”.

Khảo sát của Mobifone Global cho thấy, hiện 64 tỉnh thành đã đầu tư camera trong việc giám sát an ninh trật tự, quản lý giám sát, giao thông… Riêng tại Hà Nội, nhu cầu lắp đặt camera giám sát của các Sở, Ban, ngành và quận, huyện, thị xã ngày càng cao. Hiện có 36 đơn vị đăng ký nhu cầu lắp đặt hệ thống camera để phục vụ giám sát an ninh, trật tự, trật tự đô thị, môi trường, an toàn giao thông…

Tuy vậy, thách thức gặp phải ở chỗ: Camera nhiều chủng loại, nhiều nhà cung cấp, phần mềm; Nhu cầu mỗi quận, huyện, thành phố khác nhau và khó khăn trong kết nối liên thông và chia sẻ.

Theo ông Hiếu, mCentralized là nền tảng quản lý camera tập trung thông minh giúp kết nối trên 99% các dòng camera khác nhau, trong đó công nghệ AI phân tích hình ảnh chính xác và bảo mật. Bởi vậy, ưu điểm của giải pháp này là ở công nghệ nhận diện khuôn mặt, biển số chính xác 99% trong thời gian <0.3 giây; tìm kiếm đối tượng và có thể vẽ lại lộ trình di chuyển trên bản đồ số….

Ứng dụng AI như thế nào trong phát triển thành phố thông minh?
Ứng dụng của AI trong quản lý giao thông trong giải pháp mCetralized

“Đặc biệt, mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng ở 4 cấp từ thôn, xã/phường, quận/huyện, thành phố. Việc tích hợp AI trong giải pháp này để nhận diện khuôn mặt, biển số xe, phát hiện hành vi, cảnh báo cháy nổ…” – chuyên gia này nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại hội thảo, các đơn vị, doanh nghiệp như MISA, BKAV, Viettel.. cũng đưa ra nhiều giải pháp hữu ích trong vấn đề xây dựng thành phố thông minh, hiện thực hóa khát vọng của TP Hà Nội theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thành ủy Hà Nội vừa ban hành.

Thái Sơn
Phiên bản di động