Kiều bào khao khát đóng góp trí tuệ cho đất nước

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) luôn mang trong mình tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước. Rất nhiều người trong số hơn 6 triệu kiều bào đang sinh sống ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước.
Chung sức, đồng lòng để xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường Hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh Văn hóa phải thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

Mong muốn cùng gánh vác với Nhân dân trong nước

Hôm nay (22/8), gần 500 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục đã có mặt tại Thủ đô Hà Nội tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.

Tại đây, họ đã có dịp chia sẻ những tâm huyết của mình cho sự phát triển của đất nước.

Kiều bào khao khát đóng góp trí tuệ cho đất nước
Các kiều bào tham dự Hội nghị

Bày tỏ sự trân trọng đối với tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ban ngành và địa phương, Nhân dân trong nước đối với cộng đồng NVNONN, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao, trong thời gian qua nhiều chính sách, pháp luật đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho kiều bào tham gia nhiều mặt trong đời sống kinh tế xã hội trong nước, đặc biệt trong năm 2023, 2024 đã có bước tiến trong chính sách về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, giúp tháo gỡ vướng mắc khó khăn và huy động nguồn lực của kiều bào cho phát triển kinh tế đất nước.

Chúng tôi tin tưởng, phấn khởi và tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước. Với tinh thần chia ngọt sẻ bùi, cùng gánh vác với Nhân dân trong nước, chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước”.

Kiều bào khao khát đóng góp trí tuệ cho đất nước
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu phát biểu tại Hội nghị

Ông Thắng cũng bày tỏ sự mong muốn, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt thông qua việc tăng cường tổ chức các lớp học tiếng Việt, đồng thời, tạo các diễn đàn cho cán bộ hội đoàn NVNONN có “sân chơi” để kết nối, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm; quan tâm đến việc xây dựng và bồi dưỡng cán bộ hội đoàn trẻ, chuẩn bị tốt cho việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo hội đoàn.

"Luật căn cước 2023 đã được ban hành, chúng tôi mong sớm có hướng dẫn cụ thể về việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; và đẩy nhanh quá trình xác minh nhân thân nhằm tạo điều kiện cấp hộ chiếu Việt Nam cho những người không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam" - ông nói.

Tạo cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - kiều bào Philippines, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương bày tỏ, thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó, môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Kiều bào khao khát đóng góp trí tuệ cho đất nước
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn trình bày tham luận tại Hội nghị

Song, để chúng ta vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn mới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, Việt Nam cần quy hoạch các "cụm công nghệ" với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi doanh nghiệp và các startup công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức và hợp tác nghiên cứu; cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực công nghệ của quốc gia mà còn mang đến nguồn vốn và tri thức quốc tế cho quá trình chuyển đổi số.

“Chúng ta nên có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ, đầu tư mạo hiểm vì đó là những thành tố chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giúp cho những người sáng tạo thuận lợi trong việc tạo ra các công nghệ mới và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ đó”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Về hoàn thiện môi trường đầu tư, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục; cần xem xét cơ chế một cửa dành cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.

Với Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương, thế hệ trẻ chính là nguồn lực tiềm năng lớn cho đất nước. Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.

Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép). Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các kiều bào trẻ có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước…

Kiều bào khao khát đóng góp trí tuệ cho đất nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sự kiện và thể hiện sự trân trọng đối với những đóng góp của kiều người Việt Nam ở nước ngoài.

Nên tập trung phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Chia sẻ đầy tâm huyết, TS. Lê Viết Quốc, Nhà nghiên cứu AI tại Tập đoàn Google nói, Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo bởi trong thế kỷ 21, trí tuệ nhân tạo sẽ là công cụ quan trọng và ai đi sau sẽ bị bỏ lại phía sau.

"Tin vui là hiện nay, nhiều phần mềm trí tuệ nhân tạo đang được cung cấp dưới dạng mã nguồn mở, mở ra cơ hội rất lớn cho các ứng dụng trong tương lai gần" - ông nói.

Chúng ta cần đặt ra những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giao thông và nhiều lĩnh vực khác.

undefined
TS. Lê Viết Quốc, Nhà nghiên cứu AI tại Tập đoàn Google chia sẻ bên lề Hội nghị

"Tôi đề xuất Việt Nam nên thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chíp và trí tuệ nhân tạo. Đây là những lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Hội đồng này sẽ giúp đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này" - TS Quốc cho hay.

Giáo sư Nghiêm Đức Long, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Australia, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Nước & Nước thải, Đại học Công nghệ Sydney bày tỏ: "Đề nghị Thủ tướng xem xét các có chế đặc biệt để tận dụng vai trò tư vấn khoa học từ các giáo sư người Việt đầu ngành tại các nước trên thế giới.

Tôi mong Thủ tướng đầu tư cho một dự án thí điểm, mở một trường đại học trực tuyến tại Việt Nam với giáo án, bài giảng, và hướng dẫn khoa học từ các giáo sư Việt Nam trên toàn thế giới. Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia xin sẵn sàng đi tiên phong và đóng góp những giáo trình đầu tiên. Đây là một bước đi đột phá để Việt Nam nhanh chóng có một trường đại học hàng đầu thế giới".

Trong khuôn khổ Hội nghị lần người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 còn có 4 phiên chuyên đề diễn ra song song vào chiều nay (22/8) gồm: “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”; “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước”; “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”; “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”.

Đây là lần đầu tiên một số hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tham gia với các cơ quan trong nước trong chủ trì, điều hành một số phiên chuyên đề về lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Điều này thể hiện vai trò chủ động, tích cực của kiều bào, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà còn là chủ thể triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên lề Hội nghị, Ban Tổ chức bố trí để các đại biểu đi tìm hiểu thực tế tại Khu Công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và thăm quan một số di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kỳ vọng Hội nghị lần thứ 4 lấy trọng tâm là Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng”, tập trung trí tuệ tập thể, gia tăng đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước, để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động