Thủ tướng nhắn nhủ người trẻ "thổi bùng đam mê" khởi nghiệp, sáng tạo

“Muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thì phải có con người đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành công”, đó là chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2024.
Học viện Ngân hàng ra mắt Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo “Chìa khoá” khởi nghiệp thành công của nữ CEO 9X Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang

Ngày hội do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 12/5.

Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia 2024
Các đại biểu bấm nút khai mạc ngày hội.

Những thành tích tự hào của khởi nghiệp quốc gia

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, năm 2024.

Đây là một trong những chương trình có ý nghĩa khoa học và xã hội to lớn, là sân chơi trí tuệ rộng mở để khẳng định, tôn vinh sức sáng tạo, thành quả của học sinh, sinh viên Việt Nam, động viên và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tạo động lực khởi nghiệp trên lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

Trong thời gian qua, khởi nghiệp đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành và đặc biệt với đề án 1665.

Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ Khai mạc

Ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh sinh viên, thanh niên Việt Nam thời gian qua, đóng góp vào thành công chung của cả nước, đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thì phải có con người đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành công".

Nhìn lại lịch sử của Cách mạng Việt Nam, với quan điểm “dân giàu thì nước mạnh”, tinh thần khởi nghiệp đã được Bác Hồ kính yêu nhắc đến từ rất sớm; trong thư gửi các giới Công Thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Bác viết: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng nói, trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp, từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ.

Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” bằng Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 (Đề án 1665).

Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia 2024
Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đi tham quan các gian hàng trưng bày

Theo tinh thần Đề án 1665, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức hằng năm từ năm 2018 đến nay đã thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của giới trẻ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Trải qua hơn 6 năm thực hiện, Đề án 1665 đã đạt được những kết quả quan trọng như: 100% các đại học, học viện, trường (đại học, cao đẳng, trung cấp) có kế hoạch triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; 90% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; Tỉ lệ sinh viên khởi nghiệp sau khoảng 5 năm tốt nghiệp khoảng 8%; thu hút được gần hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Đến hết năm 2023, đã có 110 không gian làm việc chung dành cho khởi nghiệp trong các trường đại học; có hơn 120 trường đại học đã đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành một môn học bắt buộc hoặc tự chọn; có 10 cơ sở đào tạo đã bố trí được các Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370 nghìn lượt thanh niên tham gia với gần 14 nghìn ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16 nghìn dự án với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng…

Việc kết nối các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp trong toàn hệ sinh thái đã có những chuyển biến cơ bản; đã xây dựng được mạng lưới Kết nối Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

Đặc biệt, chúng ta tự hào có nhiều HSSV Việt Nam đã đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong nước, nước ngoài và được tuyển dụng làm việc tại các Tập đoàn, Công ty công nghệ lớn của thế giới như Facebook, Space X, Google, Quora…

Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia 2024
Học sinh tự tin giới thiệu mô hình khởi nghiệp

Thủ tướng chỉ đạo "nóng" về những hạn chế, thiếu gắn kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Theo chia sẻ của Thủ tướng, hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nói riêng vẫn còn hạn chế, thiếu sự gắn kết; còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực, thế giới. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên triển khai còn chậm. Hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đi vào chiều sâu; hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đầy đủ.

Nhiều thành tố của hệ sinh thái chưa thực sự đủ mạnh. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo tại các địa phương còn khá dè dặt; các dự án triển khai còn ở mức độ khiêm tốn, tác động thấp.

Đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu còn ít. Tâm lý ngại rủi ro vẫn còn trong cả đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và đội ngũ chuyên gia.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 đẩy mạnh; 2 tăng cường; 3 kết nối; 4 tập trung; 5 khuyến khích” trong hoạt động khởi nghiệp.

Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia 2024
Toàn cảnh Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2024

Về bối cảnh: Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tất cả các quốc gia, khu vực.

Trong một thế giới liên tục thay đổi với những thành tựu đột phá về KHCN, nhiều ngành, lĩnh vực mới nổi đang thu hút sự quan tâm, đầu tư trên toàn cầu như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hydrogen…

Đây là thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội, nếu chúng ta khai thác tốt các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, của từng ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương và của Nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ (nhất là trí thông minh, sự nỗ lực, kiên trì, bền bỉ, tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, sự quyết tâm cao và sự chủ động, thích ứng linh hoạt trước sự biến động của tình hình).

Về định hướng, mục tiêu: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 khẳng định, phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 3 đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vữngtrong giai đoạn mới; là một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như của từng ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương và doanh nghiệp.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế” và “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Đề án 1665 đề ra mục tiêu: “Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp”.

Để hoạt động khởi nghiệp trong HSSV phát triển đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ của Nhân dân, doanh nghiệp; với những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, thiết thực, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới: Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 Đẩy mạnh; 2 Tăng cường; 3 Kết nối; 4 Tập trung; 5 Khuyến khích”:

“1 Đẩy mạnh” là:

Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên, HSSV khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

“2 Tăng cường” gồm:

Tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với các trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp HSSV có thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, điều phối viên.

Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp. Lưu ý tránh tình trạng có Bộ ôm quá nhiều việc, quá nhiều kinh phí, trong khi có Bộ không có nguồn lực, kinh phí để triển khai.

“3 Kết nối” gồm:

Kết nối các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các Trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.

Yêu cầu kịp thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khai thác cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có tại các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kết nối nhà trường và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Kết nối các địa phương với các Trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển các dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương.

Kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên các bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt.

“4 Tập trung” gồm:

Tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, HSSV. Đổi mới từ cách nghĩ cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy.

Tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV, thanh niên với các doanh nghiệp. Có cơ chế bảo đảm các ý tưởng dự án được bảo hộ tránh việc mất bản quyền.

Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, lưu ý: Sớm hoàn thành việc thúc đẩy phát triển các trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo; Sớm hoàn thiện ban hành hướng dẫn việc thành lập các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp quỹ cộng đồng, quỹ quyên tặng.

Các địa phương sớm thí điểm xây dựng hướng dẫn tạo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo triển khai các mô hình khởi nghiệp, các mô hình sinh kế, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH các vùng, địa phương và cả nước.

“5 Khuyến khích” gồm:

Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị sử dụng các sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp.

Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp.

Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục, gắn việc học đi đôi với hành, tránh tình trạng học trải nghiệm không có nội dung, phương pháp làm giảm hiệu quả công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm.

Khuyến khích HSSV, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp và để thúc đẩy thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu.

Khuyến khích cán bộ giảng viên, đoàn viên thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có cách nghĩ mới, cách làm mới; tham gia các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai sâu rộng chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, nhất là khởi nghiệp sáng tạo. Trọng tâm là phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước trên cơ sở KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH và các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp, trong đó tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, HSSV.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành; chủ động bố trí nguồn lực sớm xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp. Xây dựng cơ chế phối hợp với doanh nghiệp để hình thành các Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp trong nhà trường.

Hỗ trợ cán bộ, giảng viên đăng ký sở hữu bằng độc quyền sáng chế; có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp KHCN nhằm khai thác, hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm.

Chủ động liên kết với tổ chức, cá nhân thành lập quỹ phát triển KHCN của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tư vấn hỗ trợ các khóa huấn luyện, đào tạo, các tổ chức thúc đẩy sản xuất kinh doanh, quỹ hỗ trợ vốn đầu tư mạo hiểm; kết nối với mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn, có nguyên vật liệu để sản xuất thử nghiệm; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong trường đại học.

Cung cấp cho giáo viên, học sinh, sinh viên các thông tin về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp; các tư liệu, tài liệu, hình ảnh, công cụ đánh giá năng lực, năng khiếu của học sinh, nội dung chương trình thực hành, trải nghiệm tại doanh nghiệp, tài liệu tuyên truyền, giáo dục về đổi mới sáng tạo, giáo dục khởi nghiệp.

Chủ động ban hành, tham mưu ban hành các cơ chế phối hợp với doanh nghiệp xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho HSSV.

Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho HSSVgắn với nội dung, chương trình được định hướng cụ thể thông qua các việc học, trải nghiệm ngay tại các doanh nghiêp, tại nhà máy, xí nghiệp, bảo đảm học đi đôi với hành.

Đối với các cháu học sinh, sinh viên chính là những chủ nhân tương lai của đất nước! Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng căn dặn: “Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó".

Các cháu hãy noi theo những tấm gương sáng của các thế hệ đi trước; luôn chăm chỉ, chuyên cần, cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt; giữ vững niềm tin, làm tròn trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội. Hãy sống một cuộc sống tràn đầy đam mê, hoài bão, khát vọng vươn lên, ý chí lập thân, lập nghiệp.

Các cháu hãy luôn mang trong mình tinh thần quyết tâm: “Nuôi dưỡng ý tưởng; thổi bùng đam mê; quyết tâm, kiên trì; đương đầu thách thức - lập nghiệp thành công”, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước thân yêu ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Tuổi trẻ Việt Nam luôn nỗ lực học tập, đổi mới, sáng tạo

Mang trên vai đầy khát vọng và sáng tạo đến từ thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, học sinh Nguyễn Thị Hoài Ni (lớp 12A8, Trường THPT Trần Văn Giàu, TP HCM) bày tỏ sự tự hào, hãnh diện và xúc động khi lần thứ hai được tham dự Ngày hội khởi nghiệp học sinh, sinh viên.

Thủ tướng nhắn nhủ người trẻ "thổi bùng đam mê" khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Học sinh Nguyễn Thị Hoài Ni - thành viên của dự án “Bioplastic - Sản xuất nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê” chia sẻ tại buổi lễ Khai mạc

Trong không khí sôi nổi của ngày hội khởi nghiệp hôm nay, Hoài Ni bộc bạch: “Bên cạnh mục tiêu tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao, mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội, chúng em muốn tạo ra sự thay đổi: Sản phẩm của mình phải sáng tạo, thân thiện với môi trường, là một bước tiến về khoa học và công nghệ.

Các đề tài của Sở GD&ĐT TP HCM mang đến một thông điệp mạnh mẽ: mỗi người hãy bắt tay hành động, dù nhỏ bé, để bảo vệ môi trường sống quý giá của hành tinh này. Hãy ngừng sử dụng chai nhựa và túi ni lông, để hành tinh của chúng ta xanh, sạch, đẹp hơn. Đây cũng là ý nghĩa của Dự án của chúng em khi đến với Thành phố Cần Thơ, nơi đăng cai tổ chức cuộc thi, Thành phố của khát vọng xây dựng Đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại với tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và nước”.

Đại diện cho thế hệ học sinh cả nước, cô nàng khẳng định, chúng em hứa sẽ không ngừng nỗ lực, không ngừng học hỏi để phát triển Dự án để khởi nghiệp thành công và cũng sẽ là tấm gương khởi nghiệp cho các bạn học sinh tại trường chúng em, tại thành phố chúng em và học sinh cả nước làm nguồn cảm hứng và tin tưởng nuôi dưỡng ước mơ, luôn kiên nhẫn, luôn trách nhiệm trong cuộc đời mình.

"Với lòng biết ơn sâu sắc, chúng em hứa sẽ giữ mãi ngọn lửa đam mê học hỏi và và tiếp tực nghiên cứu phát triển dự án này, sẽ trở thành công dân có trách nhiệm của đất nước, sẽ trở thành công dân toàn cầu để sau này “Con sẽ mang Đất Nước đi xa/ Đến những tháng ngày mơ mộng” Như trong câu thơ của Bác Nguyễn Khoa Điềm)", Hoài Ni cho hay.

Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia 2024
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Thay mặt Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trân trọng gửi tới Thủ tướng Chính phủ lời cảm ơn đặc biệt về sự hiện diện và chỉ đạo của Thủ tướng với sự kiện năm nay và trong suốt thời gian qua trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.

"Thay mặt ngành Giáo dục, tôi xin tiếp thu đầy đủ, triệt để, sâu sắc và hứa sẽ thực hiện đầy đủ nội dung, tinh thần, định hướng chỉ đạo của Thủ tướng, đúng với định hướng: Nuôi dưỡng ý tưởng, thổi bùng đam mê, quyết tâm kiên trì, không ngại thách thức để lập nghiệp thành công", Bộ trưởng nói.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động