Việt Nam phải giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo sang Philippines

Các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới phải quan tâm, đảm bảo duy trì vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines trong bối cảnh Thái Lan đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần...
Indonesia nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới

Theo ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, trong nhiều năm qua, sản xuất lúa gạo trong nước của Philippines luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, nên nước này đã tăng nhập khẩu từ các nước khác.

Những năm trước đây, Philippines mua gạo theo phương thức đàm phán liên Chính phủ (G2G), Việt Nam luôn phải cạnh tranh cùng với Thái Lan, là hai đối tác xuất khẩu gạo lớn cho Philippines.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, khi Philippines cho phép tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo, dỡ bỏ hạn ngạch và các hạn chế nhập khẩu gạo nên Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo quan trọng, luôn giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines.

Ông Phùng Văn Thành cho biết, lợi thế của gạo Việt Nam tại Philippines là nhiều doanh nghiệp đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines đã tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines.

Cùng với đó, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh.

Việt Nam phải giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo sang Philippines
Ảnh minh họa.

Hơn nữa, nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định, cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines, khoảng cách địa lý nên chi phí và thuận tiện trong chuyên chở.

Đặc biệt, Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia trong khi các đối tác ngoài Asean như Ấn Độ, Pakistan không có.

Theo ông Phùng Văn Thành, mặc dù sẽ gặp không ít khó khăn nhưng trong những năm tới, gạo Việt Nam dự báo vẫn sẽ giữ vững vị trí số 1 tại thị trường Philippines.

Ông Thành cho biết, kết quả xuất khẩu gạo thời gian qua là thành công của Việt Nam tại thị trường Philippines và dư địa và cơ hội vẫn còn để doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự kiến năm 2024 sẽ khoảng từ trên 3,5 triệu đến 3,8 triệu tấn. Đáng nói, với nhiều biến động khó dự báo, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo đã tạo nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, Philippines trong những năm gần đây luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Philippines kiến nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines, bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt cần phối hợp tốt với Bộ Công thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.

Ông Thành cũng lưu ý doanh nghiệp nên đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác, bạn hàng, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững.

Hậu Lộc
Phiên bản di động