Việt Nam có thể là điểm đến của công nghiệp bán dẫn toàn cầu
Kế sách giúp Hà Nội hút vốn nước ngoài vào công nghiệp bán dẫn Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu vào ngành bán dẫn |
Nhận định này được đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) nêu ra tại phiên thảo luận chiều 4/11.
Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, ngành công nghiệp bán dẫn nổi lên như một trong những trụ cột chiến lược của thế kỷ 21.
Theo bà Trịnh Thị Tú Anh, công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng cho các thiết bị công nghệ mà còn giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số của mỗi quốc gia.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn.
Theo đại biểu, hiện Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt về công nghệ và nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là kỹ sư thiết kế chip và nhà khoa học vật liệu. Chương trình đào tạo chưa được cập nhật và chất lượng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng). |
Bên cạnh đó, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Nguồn cung cấp điện ổn định và năng lượng sạch chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
Do đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần sớm xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn; thúc đẩy hợp tác công - tư để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình đào tạo; bổ sung các quy định cụ thể trong các luật liên quan để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác; đầu tư mạnh mẽ vào phát triển năng lượng tái tạo và đảm bảo nguồn điện ổn định cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ). |
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách cụ thể để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo ông Nghĩa, đây là ngành công nghiệp mũi nhọn mà nhiều quốc gia hiện nay đang theo đuổi, đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới.
Trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đại biểu Nghĩa cho rằng có thể đào tạo từ nguồn tri thức tinh hoa; quan tâm đào tạo, chọn lọc những học sinh, sinh viên có năng lực vượt trội để nguồn lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn bảo đảm chất lượng.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có chính sách đột phá trong việc đãi ngộ, trọng dụng để dẫn dắt nền khoa học công nghệ nước nhà, nhất là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.