Viễn cảnh kinh tế Nga sau thời ông Putin
Người dân Nga vẫn đang trông chờ một bước “đột phá về kinh tế” như Tổng thống Vladimir Putin từng hứa. Theo hãng tin Bloomberg, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Nga dự kiến vào khoảng 1,2% và được kỳ vọng sẽ đạt mức 1,6% vào năm tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại mục tiêu tăng trưởng 3% mà ông Putin đặt ra khó có thể trở thành hiện thực.
Mục tiêu ngoài tầm của ông Putin
Tăng trưởng kinh tế Nga năm 2019 đạt mức 1,2% thay vì 1,8% như Tổng thống Putin dự đoán. Sản xuất công nghiệp phát triển với tốc độ 0,3% trong tháng 11 và tiếp tục duy trì trong tháng cuối năm. Đây là con số khá thấp so với khảo sát của Bloomberg là 2,6%.
Mức sống của Nga cũng chưa phục hồi như ông Putin trước đây từng tuyên bố, cây bút Natasha Doff của Bloomberg nhấn mạnh. Với việc gia tăng chi tiêu chính phủ và cắt giảm lãi suất trong năm 2020, Moscow hy vọng sẽ nâng mức tăng trưởng lên khoảng 2%. Dù vậy, một số nhà kinh tế vẫn lo ngại mục tiêu 3% của ông Putin là con số ngoài tầm với.
“Đó thực sự là một thách thức quan trọng. Với nền kinh tế già cỗi của Nga, chúng ta cần một sự tái cấu trúc rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn” - nhà kinh tế Sofya Donets thuộc Tập đoàn Renaissance Capital nhận định.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nền kinh tế Nga trong năm 2019 vẫn đón nhận một số thông tin tích cực như tỉ lệ lạm phát suy giảm. Nhưng không vì thế mà Moscow nên lơ là bởi những năm tới sẽ rất quan trọng để ông Putin chứng minh tính khả thi của các mục tiêu ông đã đặt ra. “Chính phủ sẽ cần phải cho thấy họ có khả năng xây dựng được nhiều dự án cơ sở hạ tầng hơn” - nhà phân tích Tatiana Evdokimov tại Ngân hàng Nordea ở Moscow nhấn mạnh thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự diễn đàn kinh tế phương Đông hồi tháng 9-2019. Ảnh: BLOOMBERG |
Kinh tế Nga sau thời ông Putin
Nhiều chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow lo ngại viễn cảnh cho đến lúc ông Putin hết nhiệm kỳ vào năm 2024, các lời hứa của ông vẫn không thể đáp ứng được và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga. Không chỉ đối mặt với thị trường nội địa suy yếu, Moscow cũng phải giải quyết các rủi ro kinh tế từ thị trường thế giới. Xu hướng gia tăng căng thẳng thương mại và địa chính trị vốn đã làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu xuất khẩu của Nga.
Các dữ liệu gần đây cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang tăng trưởng trở lại ở Nga dù vẫn chưa thực sự cao đáng kể. Nhà kinh tế SCOTT JOHNSON |
Trước tình hình này, hiện hai ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí thủ tướng hoặc tổng thống Nga là Bộ trưởng Phát triển kinh tế Maxim Oreshkin và Phó Chánh Văn phòng điện Kremlin Sergei Kiriyenko với hai chiến lược đổi mới kinh tế khác nhau.Trong bốn năm tới, chính quyền Moscow phải đối mặt với một nhiệm vụ đầy thách thức. Một mặt họ phải duy trì ổn định chính trị nội bộ mà không thay đổi quá nhiều cán cân quyền lực hiện tại. Mặt khác họ phải nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu do ông Putin đề ra khi tái tranh cử vào năm 2018. Để làm được điều này, Moscow rất cần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và các chính sách kinh tế của họ.
Theo đó, kế hoạch giải quyết đình trệ kinh tế của ông Oreshkin bao gồm kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông, kể cả các tập đoàn nước ngoài lớn như Google. Ông đề xuất hợp nhất các cơ quan tài chính (Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương) thành một cơ quan duy nhất nằm dưới sự giám sát của Bộ Phát triển kinh tế. Dù vậy, kế hoạch này bị chỉ trích là nhằm mở rộng quyền lực của bộ này.
Ngoài ra, ông khẳng định phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3% bằng mọi giá để có thể cung cấp cho tổng thống các điều kiện kinh tế thuận tiện nhất cho việc chuyển đổi quyền lực. Kế hoạch của bộ trưởng là đạt được mức tăng trưởng 7% trong khi mức lạm phát là 4%.
Trong khi đó, kế hoạch của ông Kiriyenko được đánh giá là ôn hòa nhưng cũng có phần khó tin hơn. Ông cho biết các chuyên gia kinh tế hiện tại vẫn được giữ mô hình đang áp dụng, ông sẽ tập trung chế tạo một cỗ máy sẽ sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo để quản lý hành vi của các tác nhân kinh tế và cử tri. “Những gì ông Kiriyenko đang đề xuất cung cấp cho tổng thống một giải pháp cho hàng loạt vấn đề của các thập niên tới” - chuyên gia Alexandra Prokopenko nhận định.
Chiến lược bầu cử của ông Putin Theo các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow, việc Moscow tăng tuổi hưu và thuế giá trị gia tăng trong năm 2018 có thể là bước đi đầu tiên trong chiến lược bầu cử của Tổng thống Vladimir Putin: Ban hành các chính sách gây tranh cãi vào đầu giai đoạn cuối nhiệm kỳ để khi bầu cử quốc hội hoặc tổng thống diễn ra, các chính sách ấy sẽ rơi vào quên lãng. Được biết tỉ lệ ủng hộ tổng thống và đảng cầm quyền Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. |