Vì sao VietABank, NCB không trả lại tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng?
Như chúng tôi đã thông tin, ông Đặng Nghĩa Toàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn đang loay hoay trong cuộc hành trình đi tìm ''công lý'' khi hàng chục tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của mình đã trót gửi vào Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Ngân hàng Quốc Dân (NCB) và một số ngân hàng tại Hà Nội, nhưng giờ không lấy tiền ra được.
Cụ thể, tại VietABank, ngày 5/7/2018, ông Toàn gửi tiết kiệm số tiền là 20 tỷ đồng ở Phòng giao dịch Đông Đô (địa chỉ: Tầng 1, Tòa 18T1 KĐT Trung Hòa Nhân Chính, đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) với lãi suất 5,5%/năm, và được ngân hàng cấp một sổ tiết kiệm.
VietABank - Phòng giao dịch Đông Đô (địa chỉ: Tầng 1, Tòa 18T1 KĐT Trung Hòa Nhân Chính, đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). |
Sau đó, đến ngày 12/12/2018, ông Toàn đến trụ sở VietABank tại địa chỉ số 34A-34B Hàn Thuyên, Hà Nội để yêu cầu rút tiền từ sổ tiết kiệm thì được phía ngân hàng thông báo rằng sổ tiết kiệm của mình đã bị ngân hàng phong tỏa do ông Toàn đã ký kết hợp đồng vay vốn và sử dụng sổ tiết kiệm để cầm cố theo hợp đồng vay vốn nêu trên nên ngân hàng đã tất toán sổ tiết kiệm.
Quá trình làm việc với đại diện VietABank, ông Toàn khẳng định rằng không hề ký bất cứ hợp đồng vay vốn nào cũng như không có việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn tại ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu phía ngân hàng xác minh, giám định chữ ký của mình trên các hợp đồng vay vốn và hợp đồng cầm cố và trình báo sự việc nêu trên đến cơ quan công an để được giải quyết.
Cam kết của VietABank. |
Sau đó, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội đã có thông báo kết luận giám định số 03 gửi đến ông Toàn và phía VietABank thông báo chữ ký, chữ viết trên hồ sơ vay vốn, cầm cố sổ tiết kiệm là giả mạo, cụ thể: “Chữ ký, chữ viết dòng họ tên Đặng Nghĩa Toàn trên Đề nghị vay vốn … không phải là chữ ký, chữ viết của ông Đặng Nghĩa Toàn”. Mặc dù đã có kết luận của cơ quan công an đã kết luận không phải chữ ký của ông Toàn nhưng đến nay phía ngân hàng vẫn chưa hoàn trả lại tiền cho ông này.
Tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB), vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn cũng bị ngân hàng này phong tỏa tiền tiết kiệm 50 tỷ đồng với lý do tương tự như vụ việc tại VietABank. Sau thời gian dài đòi hỏi quyền lợi, đến nay, ông Toàn vẫn đang rơi vào ''cuộc chiến pháp lý'' và chưa thể nhận lại được số tiền của mình đã gửi tại ngân hàng.
Cam kết của NCB. |
Đáng nói, trong các buổi làm việc với ông Toàn, các ngân hàng đều cam kết sẽ giải tỏa và trả lại tiền gửi tiết kiệm khi có kết luận của cơ quan công an rằng vợ chồng ông Toàn không ký cầm cố sổ tiết kiệm. Mặc dù không phải ''lời nói gió bay'', có cam kết bằng văn bản dấu đỏ nhưng khi liên hệ làm việc, yêu cầu được giải tỏa, trả lại tiền gửi tiết kiệm thì các ngân hàng đưa ra các lý do để không trả lại tiền gửi tiết kiệm cho vợ chồng ông Toàn dù cơ quan công an đã có thông báo kết luận giám định gửi đến các bên nêu rất rõ chữ ký cầm cố sổ tiết kiệm không phải là họ.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Nghĩa Toàn cũng cho biết, đến nay các ngân hàng không có bất cứ lý do nào để tiếp tục phong tỏa tiền của ông vì cơ quan điều tra cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền không có bất cứ quyết định, yêu cầu nào về việc phong tỏa tiền gửi tiết kiệm của vợ chồng ông.
"Việc các ngân hàng vẫn cố tình phong tỏa tiền gửi của vợ chồng tôi là không có căn cứ, trái quy định pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trong đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ chồng tôi và gia đình'', ông Toàn bức xúc.
NCB - Phòng giao dịch Cầu Giấy (đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), nơi ông Toàn gửi tiền. |
"Tôi đề nghị các ngân hàng sớm phải giải tỏa và trả lại toàn bộ tiền gửi tiết kiệm cho vợ chồng tôi. Chúng tôi cũng khẩn cầu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm sự việc giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống'', vẫn lời ông Toàn.
Liên quan đến việc này, trao đổi với phóng viên, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho biết, nếu tài khoản gửi tiết kiệm của ông Đặng Nghĩa Toàn không có sai sót, không có tranh chấp thì ngân hàng chỉ được phong tỏa khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì không có cơ quan có thẩm quyền nào yêu cầu nên các ngân hàng không được phong tỏa tài khoản của khách hàng.
Cũng theo vị này, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, ông Toàn có quyền yêu cầu các ngân hàng trả lại tiền gửi tiết kiệm theo đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp các ngân hàng cố tình không trả lại ông Toàn có thể gửi đơn đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Thậm chí, có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
"Trường hợp của ông Đặng Nghĩa Toàn là bài học cảnh tỉnh cho những khách hàng khác muốn gửi tiền vào ngân hàng. Muốn gửi tiền trước hết phải tìm hiểu thông tin về các ngân hàng, không nên nghe lời rủ rê cũng như ham lãi suất để rồi tiền mất tật mang. Chúng ta cứ tưởng gửi tiền vào ngân hàng là an toàn nhưng gần đây cũng đã xuất hiện nhiều vụ mất tiền không rõ lý do nên cẩn thận vẫn hơn", vị này chia sẻ.
Để làm rõ thông tin, PV Tuổi trẻ và Pháp luật đã liên hệ làm việc với VietABank, NCB và một số ngân hàng khác nhưng tất cả đều có câu trả lời chung chung "hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra, khi nào có kết luận của cơ quan điều tra thì sẽ thông tin cho báo chí".
Điều này là rất bất thường bởi đây thuần túy là một giao dịch dân sự, khách hàng chứng minh họ có gửi tiền và chưa rút tiền. Nếu ngân hàng không chứng minh được khách hàng sai thì bắt buộc phải trả tiền lại cho họ chứ không cần đợi kết luận của cơ quan điều tra khi tài khoản của khách hàng không bị cơ quan có đủ thẩm quyền (cơ quan điều tra - pv) phong tỏa - Luật sư Vi Văn Diện (Trưởng VP Luật Thiên Minh - Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết.
Trước sự việc của ông Đặng Nghĩa Toàn, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền sớm chỉ đạo kiểm tra, làm rõ để đảm bảo quyền và lợi ích của công dân, tránh gây bức xúc kéo dài.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.