Vì sao phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35?

Buồng trứng của phụ nữ được ví như gia tài, của hồi môn của mẹ chia cho con gái để thực hiện thiên chức làm mẹ. Gia tài này chỉ suy giảm dần, không sinh thêm được. 
Vợ chồng sinh đủ 2 con được ưu tiên mua nhà ở xã hội, vào các trường công lập

LTS: Quyết định 588 của Thủ tướng chính phủ khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi mới đây đã gây xôn xao dư luận. Cơ sở sinh học của chính sách này như thế nào? ThS. BS. Hồ Mạnh Tường, một trong những bác sĩ tham gia làm IVF đầu tiên ở Việt Nam hiện đang làm việc tại đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức (Phú Nhuận, TPHCM) đã có bài viết phân tích về khía cạnh khoa học của quyết định 588. Tuổi trẻ và Pháp luật đăng toàn văn bài viết.

"Gia tài của mẹ và tuổi sinh con của phụ nữ

Buồng trứng của phụ nữ được ví như gia tài, của hồi môn của mẹ chia cho con gái để thực hiện thiên chức làm mẹ. Gia tài này chỉ suy giảm dần, không sinh thêm được.

Khoa học từ lâu đã cho thấy, số lượng nang noãn trong buồng trứng cao nhất là lúc thai nhi nữ còn nằm trong bụng mẹ, lúc khoảng 3-4 tháng tuổi thai. Sau đó, số lượng nang noãn này chỉ có thể giảm đi, không tăng thêm được. Lúc sinh ra, 2 buồng trứng của bé gái còn khoảng 1 triệu nang noãn và liên tục giảm dần do nang noãn tự thoái hoá. Đến khi dậy thì (khoảng 13 tuổi), thì buồng trứng có thể bắt đầu rụng trứng (phóng noãn). Mỗi tháng, ước tính có khoảng trên 500 nang noãn đi ra khỏi kho chứa noãn để tiếp tục phát triển, để cuối cùng có 1 nang noãn trưởng thành và rụng trứng. Bên cạnh đó, rất nhiều nang noãn khác vẫn tiếp tục thoái hoá.

Do đó, số nang noãn trong buồng trứng cứ giảm dần theo tuổi. Đồng thời, khi càng lớn tuổi thì chất lượng nang noãn cũng giảm dần do tuổi sinh học của nang noãn tăng theo tuổi của người phụ nữ. Noãn để lâu quá cũng hư hao theo thời gian. Cho đến thời điểm mãn kinh, thì 2 buồng trứng còn trên dưới 1.000 nang noãn. Nhưng những nang noãn này chất lượng quá kém, không còn sử dụng được nữa.

Cho đến nay, người ta chưa tìm ra cơ chế nào làm tăng số lượng hay cải thiện chất lượng nang noãn. Kích thích buồng trứng cũng là chỉ tối đa hoá hiệu quả sử dụng số nang noãn còn lại của buồng trứng, chứ không làm buồng trứng tốt lên được. Chế độ ăn uống, thể dục... có thể phần nào cải thiện được chất lượng nang noãn, nhưng không nhiều.

Một số phụ nữ do “gia tài” ban đầu không nhiều hoặc trong quá trình lớn lên, vì nhiều lý do, số nang noãn thoái hoá nhanh hơn và sớm hơn, dẫn đến hiện tượng buồng trứng suy giảm sớm. Một số rất ít khác, buồng trứng đã bất thường từ nhỏ, như một “gia tài” không may mắn của tạo hoá! Các loại phẫu thuật, mổ xẻ đụng tới buồng trứng đều có thể ảnh hưởng đến “gia tài” vô giá này của phụ nữ.

vi sao phu nu nen sinh con truoc tuoi 35
vi sao phu nu nen sinh con truoc tuoi 35

Vì đặc điểm của buồng trứng phụ nữ tự nhiên là như vậy, nên tuổi có thai phù hợp nhất của phụ nữ là 20-30 tuổi. Có thai dễ và ít sẩy thai hay thai lưu. Sau 35 tuổi, đa số phụ nữ khó có thai và khi có thai hay bị trục trặc. Các biến chứng, tai biến Sản khoa tăng rõ, nếu phụ nữ mang thai sau 35 tuổi. Sau 40 tuổi thì càng khó hơn. Đồng thời, các bất thường, dị tật ở thai cũng tăng, sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ cũng có nhiều bất thường hơn, nếu mẹ lớn tuổi. Sau 45 tuổi thì hiếm có phụ nữ có thai và giữ được thai. Khoảng gần 50 tuổi thì phụ nữ bắt đầu mãn kinh (xem biểu đồ minh hoạ đính kèm).

Phụ nữ cần hiểu biết và có kế hoạch phù hợp để sử dụng tốt nhất “gia tài” quí giá này. Việc có con, mang thai và sinh con khỏe mạnh phụ thuộc rất nhiều vào gia tài này. Có thể kiểm tra “tài khoản” gia tài này bằng các xét nghiệm đánh giá “dự trữ buồng trứng”. Nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, đừng hỏi qua internet.

Kích thích buồng trứng hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng chỉ là cách tăng hiệu quả sử dụng số nang noãn còn lại trong buồng trứng để có thai, không làm buồng trứng tốt lên được. Nói chung, phụ nữ nên có kế hoạch có con sớm, trước 35 tuổi và nếu phát hiện “gia tài” có vấn đề, nên sắp xếp để có con sớm hơn".

ThS.BS Hồ Mạnh Tường hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và sức khỏe sinh sản (CGRH), Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM (HOSREM). Bác sĩ Hồ Mạnh Tường tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa, Đại học Y Dược TPHCM năm 1993. Đến năm 1997 tu nghiệp về thụ tinh trong ống nghiệm tại Pháp và năm 1998 tốt nghiệp Thạc sĩ Phôi học lâm sàng, Đại học quốc gia Singapore.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cùng vợ là bác sĩ Vương Ngọc Lan - người được Tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2017, cũng là một trong những người đầu tiên thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam, được xem là "cặp đôi vàng" hay “cặp đôi hoàn hảo” trong điều trị hiếm muộn, vô sinh ở nước ta hiện nay.

PV
Phiên bản di động