Bé trai 5 tuổi nghịch dây giải rút, tự “thắt cổ” mình

Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã xử trí và cấp cứu thành công một trường hợp hi hữu do tai nạn trong sinh hoạt. Đó là một bé trai 5 tuổi (ở Thường Tín, Hà Nội) nghịch giải rút quần, tự cuốn “thắt cổ” treo mình trên dây mắc màn, nhập viện trong tình trạng tím tái, lơ mơ.
"Ngàn cân treo sợi tóc" cứu sống bé trai bị viêm màng não mô cầu Bé trai gặp tai nạn nghiêm trọng do súng đồ chơi Bé trai 7 tháng tuổi biến chứng viêm phổi nặng do sởi

Theo người nhà bệnh nhi, bệnh nhân cùng hai anh (8 tuổi và 11 tuổi) chơi, xem tivi với nhau trong một phòng riêng.

Khi gia đình phát hiện, trẻ trong tình trạng dây giải rút quấn xung quanh cổ và treo mình trên dây mắc màn chăng ngang phòng. Lúc đó, trẻ có dấu hiệu tím tái, khó thở. Gia đình có thổi ngạt, ép tim tại chỗ trong 5 phút thì trẻ tự thở trở lại, môi hồng, nhưng lơ mơ không tỉnh nên gia đình bắt taxi đưa con vào BVĐK Nông nghiệp cấp cứu.

Tại BVĐK Nông nghiệp - nơi tiếp nhận ban đầu, bệnh nhi lơ mơ và kích thích, nghi ngờ tổn thương não do “treo cổ” dù kết quả chụp chiếu sọ não, cột sống cổ bệnh nhi chưa có dấu hiệu bất thường. Các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Bạch Mai để theo dõi, đánh giá thêm tình hình.

Ngay trong ngày, bệnh nhi được chuyển đến Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai để tầm soát các nguy cơ tổn thương não, phù não, tăng áp lực nội sọ, suy tuần hoàn, hô hấp do thắt cổ, ngạt thở. Thời điểm tiếp nhận ở Trung tâm Nhi khoa, Bệnh nhi hôn mê, bóp bóng qua nội khí quản, xuất huyết dạng chấm rải rác vùng đầu mặt và có vết lằn đường kính 0,5cm dài 25 cm ở vùng cổ trước.

Bệnh nhi được các bác sĩ kiểm tra tình hình sức khoẻ (Ảnh: BVCC)
Bệnh nhi được các bác sĩ kiểm tra tình hình sức khoẻ (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhi nhanh chóng được cấp cứu và điều trị bằng phương pháp kỹ thuật cao “hạ thân nhiệt chỉ huy” (chủ động). Phương pháp này nhằm bảo vệ thần kinh, giảm thiểu các tổn thương não, các biến chứng tuần hoàn, hô hấp và tăng khả năng sống sót của người bệnh.

BSCKII. Doãn Phúc Hải - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp điều trị cho bệnh nhi chia sẻ: Thân nhiệt của bệnh nhi được hạ nhanh xuống và kiểm soát duy trì ở mức 34°C, giảm tổn thương, tái tưới máu tại não, tăng tỉ lệ sống và hồi phục chức năng thần kinh.

"Sau 72 giờ điều trị hạ thân nhiệt chủ động, bệnh nhi được nâng thân nhiệt, làm ấm trở lại về mức bình thường và duy trì theo dõi trong 48 giờ. Khi thân nhiệt trở lại bình thường, bệnh nhi tỉnh dần và được rút ống thở. Dấu hiệu sinh tồn ổn định, tri giác nhận thức tốt. Sau 5 ngày nằm viện, bệnh nhi đã tỉnh táo hoàn toàn. Kết quả chụp tim, phổi, MRI sọ não, cột sống cổ không thấy bất thường. Đây cũng là trường hợp đầu tiên trẻ 5 tuổi tự “thắt cổ” mà chúng tôi bắt gặp" - BS Hải nói.

Tụê Uyên
Phiên bản di động