Mức phạt đối với thuốc giả, sữa giả chưa đủ tính răn đe

Hiện nay quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ …còn chưa bảo đảm đủ tính nghiêm khắc, răn đe; chưa phù hợp với mức độ nguy hiểm/tác hại gây ra của hành vi vi phạm.
Bộ Công an thông tin mới nhất về các vụ án sữa giả, thuốc giả Không để bỏ lọt vi phạm sữa giả, thuốc giả

Theo đánh giá của Bộ Y tế, mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng giả theo giá trị hàng hóa là quá thấp (trường hợp đối tượng không bị xử lý hình sự, chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính), do giá trị thuốc tại cơ sở bán lẻ nhỏ lẻ rất thấp (phần lớn dưới 1 triệu đồng).

Trong khi đó, việc sản xuất, buôn bán thuốc giả là một hoạt động phi pháp nhưng mang lại lợi nhuận cao. Việc sản xuất thường do các tổ chức, cá nhân không có chuyên môn, sản xuất chui, không cần nhà xưởng, thiết bị hiện đại... Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che dấu hành vi vi phạm, việc sản xuất được chia tại nhiều địa điểm, sử dụng mạng xã hội để mua/bán nhằm che giấu địa điểm.

Một số quy định pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, như việc tự công bố/ đăng ký bản công bố sản phẩm đơn giản, trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm.

Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; lợi dụng chính sách thông thoáng trong đăng ký doanh nghiệp; đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe để trốn tránh trách nhiệm khi có vi phạm...

Mức phạt đối với thuốc giả, sữa giả chưa đủ tính răn đe
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế nêu ra khó khăn trong kiểm soát hoạt động thương mại điện tử: Việc mua bán thực phẩm qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hàng “xách tay” ngày càng phát triển, khiến việc kiểm soát, giám sát chất lượng trở nên khó khăn.

Lực lượng hậu kiểm và kinh phí thực hiện công tác này còn mỏng và thiếu, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng...bị phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Công thương tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, trong đó chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ thuốc.

Đồng thời, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong công tác phòng, chống thuốc giả. Trong đó, Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp số 03/QCPH-BCA-BYT ngày 18/11/2024, phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình phức tạp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối lưu thông thuốc trong đó có thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả; ngày 5/5, Bộ Y tế ban hành công văn gửi UBND các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thực phẩm trên thị trường, tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm chưa thực hiện thủ tục tự công bố/đăng ký bản công bố trên thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đồng thời tăng cường rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm trên môi trường mạng hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác; tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn, mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm.

Cùng với đó là rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt đối với sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng; chủ động sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện và sửa Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm để đảm bảo quản lý chặt công tác quản lý an toàn thực phẩm, khắc phục những vướng mắc, bất cập để thống nhất quản lý chất lượng về thực phẩm chức năng. Đồng thời kiến nghị nâng mức xử phạt hành chính theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc giả...

Hậu Lộc
Phiên bản di động