Hà Nội nỗ lực không ngừng vì sức khỏe người dân

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Hà Nội đang nỗ lực không ngừng để cải thiện công tác an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp để kích cầu du lịch

Ma trận thực phẩm bẩn bủa vây người dân

Hà Nội đã và đang nỗ lực không ngừng để cải thiện công tác an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường kinh doanh thực phẩm, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội tiếp tục giám sát chặt chẽ và yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp, cửa hàng phân phối chạy theo lợi nhuận, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và bất chấp sức khỏe người dân vẫn diễn ra khá phổ biến.

Hà Nội nỗ lực không ngừng vì sức khỏe người dân
Gần 1 tháng, Hà Nội phát hiện, thu giữ hơn 7 tấn thực phẩm đông lạnh "bẩn"

Cụ thể, vào đêm 28/4, Đội Quản lý thị trường Hà Nội số 17, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã phối hợp Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội, tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh do ông Nguyễn Đình Chiểu làm chủ có địa chỉ tại đường Hòa Bình, thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gần 11 tấn thịt bò và nội tạng bò đông lạnh chưa qua sử dụng được chứa trong 3 kho đông lạnh, không có nhãn mác, không ghi thông tin sản phẩm và không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Trong số đó, có nhiều loại như lòng bò, gân bò, bì bò, xách bò, xương, gan, phổi, óc bò, mép bò… có dấu hiệu bị hư hỏng, bốc mùi khó chịu. Tổng trị giá lô hàng vi phạm ước tính trên 188 triệu đồng. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc lô hàng.

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội vừa kiểm tra tại quận Hoàng Mai nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2024. (Ảnh minh hoạ)
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội vừa kiểm tra tại quận Hoàng Mai nhân Tháng hành động vì ATTP. (Ảnh minh hoạ)

Ông C. khai nhận, số thịt và nội tạng bò nói trên được thu mua từ nhiều nguồn trôi nổi, không rõ xuất xứ, không có kiểm định về chất lượng hay an toàn thực phẩm.

Tương tự, ngày 21/4, Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Xuân Thắng, có địa chỉ tại thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn thực phẩm "bẩn" chuẩn bị được vận chuyển đi, gồm 14.196 con gà đông lạnh với tổng trọng lượng 18.454 kg và 560 kg nội tạng gà đông lạnh.

Số hàng hóa bị lực lượng chức năng phát hiện có dấu hiệu bị hư hỏng. Toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như chứng nhận chất lượng sản phẩm, vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và quản lý thị trường. Ước tính, giá trị lô hàng vi phạm lên tới hơn 710 triệu đồng.

Đại diện Đội Quản lý thị trường số 17 cho hay, số hàng vi phạm được cất giữ trong các kho lạnh nằm ở khu vực thưa dân cư, hoạt động chủ yếu vào thời điểm rạng sáng, khiến việc giám sát, phát hiện gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, quy trình thu mua - sơ chế - bảo quản - vận chuyển của cơ sở diễn ra khép kín và rất nhanh, hàng hóa sau đó được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hiện, toàn bộ số thịt và nội tạng bò vi phạm đã bị lực lượng chức năng niêm phong, tạm giữ để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Nỗ lực đẩy lùi thực phẩm bẩn

Thực tế cho thấy, an toàn thực phẩm là nỗi lo thường xuyên của người tiêu dùng. Thực phẩm "bẩn" không những ảnh hưởng đến sức khỏe và còn là tác nhân dẫn đến suy giảm sức lao động. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, các đối tượng vẫn tìm mọi cách tuồn thực phẩm "bẩn" ra thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh nhấn mạnh, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm không chỉ ở tháng cao điểm mà phải được thực hiện thường xuyên và đột xuất. Chính quyền thành phố yêu cầu các đoàn kiểm tra hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm và tăng cường giám sát để ngăn ngừa tái diễn các vi phạm an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc
Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc

Các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng trong việc chọn mua, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm; đồng thời nên lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở uy tín, chú ý tem nhãn rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, tránh mua ở các điểm bán hàng tự phát.

Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả của công tác an toàn thực phẩm, ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm...

Không chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cũng phải kiên quyết nói không với thực phẩm "bẩn", đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm để kịp thời xử lý...

Vũ Cường
Phiên bản di động