Vi phạm bản quyền nội dung: Rào cản lớn với chuyển đổi số báo chí

Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay.
Báo chí phát huy vai trò, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội Hơn 1.000 tác phẩm dự giải báo chí vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch Các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ngăn chặn hiện tượng “ăn cắp” các chất liệu báo chí

Sáng 13/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”.

Theo ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, một trong những thách thức lớn đổi với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số. Theo đó, hiện tượng vi phạm quyền pháp lý được cấp cho người tạo ra hoặc sở hữu nội dung số để kiểm soát việc sao chép, phân phối và sử dụng nó trong môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Đây chính là rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Vi phạm bản quyền nội dung: Rào cản lớn với chuyển đổi số báo chí
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Quang Khánh)

Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ.

Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo, thúc đẩy một nền báo chí với “hàng thật” và “hàng chất lượng cao”.

Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin cùng 10 Điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và những điều khoản nhằm cảnh báo, ngăn ngừa, phát hiện và xử phạt vi phạm nhưng việc phân định quyền quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ hiện còn bị phân tán, chưa có sự thống nhất cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng; Các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp chế tài xử phạt còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm cũng như bảo vệ bản quyền tác giả một cách hiệu quả.

Ngoài ra, sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm báo chí hiện nay còn chưa nghiêm, bản thân mỗi nhà báo cũng cần hiểu biết rõ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình và các chủ thể mang quyền khác; Tìm hiểu, thảo luận đề nhận diện thực trạng, vấn đề đặt ra, điều kiện, phương hướng, giải pháp nhằm xử lý vấn đề nhức nhối này, từ đó vận dụng để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả và cơ quan báo chí.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, việc vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hóa. Giá trị cốt lõi của nhà báo và tòa soạn báo là tính chính trực, trung thực, tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật và quyền sở hữu trí tuệ.

Việc nhà báo vi phạm bản quyền báo chí thường được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hóa truyền thông vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo và truyền thông, bao gồm: Sự trung thực và đáng tin cậy; Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ; Tính đa dạng và độc lập trong nguồn tin: Đề cao sáng tạo và sự công bằng.

Vi phạm bản quyền nội dung: Rào cản lớn với chuyển đổi số báo chí
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ tại Hội thảo (Ảnh: Quang Khánh)

Theo bà Hằng, trên môi trường số hiện nay, bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện quan trọng để thảo gỡ rào cản cho sự phát triển nội dung số và các vấn đề liên quan như kinh doanh số, là điều kiện quan trọng cho sự thành công của chuyển đổi sô báo chí.

Theo đó, vai trò của bảo vệ bản quyền báo chí thể hiện ở một số điểm chính: Đấu tranh cho quyền lợi của nhà báo và cơ quan báo chí - chủ thể bản quyền báo chí trên môi trường số; Tạo động lực cho sáng tạo nội dung số, đảm bảo chất lượng tác phẩm báo chí, hướng tới nền báo chí chất lượng cao; Khuyến khích đầu tư cho các dự án báo chí số và báo chí sáng tạo; Góp phần bảo vệ nguồn tài chính cho các cơ quan báo chí, hợp pháp hoá và thúc đẩy tiến trình thực thi các mô hình kinh doanh báo chí số.

Nguyên Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng ý thức của chủ thể mang quyền sở hữu trí tuệ, sự đoàn kết và liên kết mạnh mẽ giữa các cơ quan báo chí, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan quản lý báo chí truyền thông, các đối tác, tập đoàn công nghệ vì sự phát triển của một nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại sẽ là một dấu hiệu tích cực cho việc đấu tranh chống vi phạm bản quyền hiện đang rất nhức nhối hiện nay.

Vào cuộc quyết liệt

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), vi phạm bản quyền nội dung số có xu hướng gia tăng, chủ yếu về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc…

Các hành vi vi phạm bản quyền được thực hiện với những cách thức hết sức tinh vi, luôn thay đổi, và khó khăn khi xử lý đối với hoạt động vi phạm được thực hiện xuyên biên giới, từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, tổ chức, đại diện chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu quyền trong công tác phối hợp... nhưng diễn biến vi phạm bản quyền gia tăng đòi hỏi phải có giải pháp thực tế có tính khả thi hơn.

Tại Hội thảo về bảo vệ bản quyền nội dung số do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tổ chức, các chủ sở hữu quyền bức xúc vì nạn ăn cắp bản quyền trắng trợn, công khai, như: Một số báo dẫn đường link và livestream nội dung của K+ mà không xin phép; 7 cơ quan báo chí bị VTV-cap khởi kiện; Các trang web được mở ra để livestream các trận bóng đá mà Đài truyền hình VTV, VTC truyền hình trực tiếp; Chặn trang web này thì lại có ngay trang web khác. Hơn nữa, quy trình xử lý vi phạm mất cả tuần nên chủ sở hữu quyền rơi vào tình trạng “được vạ thì má đã sưng”, thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Tại hội thảo, Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho rằng, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm bản quyền đã gây ra nhiều các tác hại như tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho chủ thể của tác phẩm. Tổn thất về vật chất bao gồm có: Tổn thất về tài sản; Giảm sút về vấn đề thu nhập, lợi nhuận; Tổn thất về các cơ hội kinh doanh; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, để khắc phục thiệt hại.

Vi phạm bản quyền nội dung: Rào cản lớn với chuyển đổi số báo chí
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới khuyến nghị các cơ quan báo chí sử dụng các công cụ giám sát trực tuyến để kiểm soát vấn nạn vi phạm bản quyền báo chí

Tuy chưa có một cuộc điều tra chính thức từ thiệt hại kinh tế về việc xâm phạm bản quyền tác giả hay sở hữu trí tuệ, nhưng theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng, doanh thu bất hợp pháp từ hoạt động ăn cắp bản quyền có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Xét dưới góc độ kinh tế, việc sao chép bài viết một cách thiếu kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng đến phong cách của một tờ báo, tờ báo bị sao chép bị mất đi lượng độc giả trung thành khi không bảo vệ được tác quyền. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của những người làm báo khi doanh thu quảng cáo của tờ báo bị sao chép sụt giảm.

Khi các tác phẩm báo chí chính thống bị sao chép, bị đánh cắp thì vấn đề không đơn thuần chỉ nằm ở việc vi phạm bản quyền, mà những thông tin bị cắt cúp, sao chép, vi phạm này còn làm méo mó, sai lệch thông tin. Đối với các cơ quan báo chí, việc vi phạm này một mặt ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, xâm hại đến công sức, thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền, của nhà báo, đồng thời gây thất thu lớn về mặt kinh tế.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, phát hiện vi phạm bản quyền không khó, nhưng xử lý các hành vi này sao cho hiệu quả thì không đơn giản, đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện một cách tổng thể và đồng bộ.

Bàn về giải pháp đối phó, bên cạnh những giải pháp nâng cao năng lực quản lý và điều chỉnh về mặt pháp lý, Tổng Biên tập báo Hànộimới khuyến nghị các cơ quan báo chí có thể sử dụng các công cụ giám sát trực tuyến để theo dõi các trang web hoặc trang mạng xã hội có chứa nội dung bản quyền của họ; Ứng dụng Blockchain trong tòa soạn để giúp xác thực, bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí và bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền cũng như tranh chấp liên quan đến sở hữu.

Các cơ quan quản lý cũng cần cần hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền; Từng bước triển khai việc nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain; Tích hợp quản lý tác quyền số, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng Blockchain...

Cùng với đó, các cơ quan báo chí có thể hướng tới phát triển dịch vụ bán bản quyền tác phẩm báo chí. Dịch vụ này cho phép các đối tác khác sử dụng các tác phẩm của cơ quan báo chí giữ bản quyền với điều kiện phải mua bản quyền trước.

Các tác phẩm báo chí có thể bao gồm những bài viết, hình ảnh, video và âm thanh được xuất bản hoặc sản xuất bởi các cơ quan báo chí. Khi các đối tác khác muốn sử dụng các tác phẩm này, họ phải mua bản quyền từ các cơ quan báo chí. Việc này giúp đảm bảo rằng các tác phẩm được sử dụng theo đúng quy định về bản quyền và các cơ quan báo chí nhận được mức phí phù hợp cho việc sử dụng tác phẩm của mình.

Vi phạm bản quyền nội dung: Rào cản lớn với chuyển đổi số báo chí
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”
Khánh Khoa
Phiên bản di động