Vè cổ của người Kẻ Rưng xưa: “Báu vật” của làng

Thị trấn Tứ Trưng nằm ở phía Nam huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), không chỉ được xem là nơi có cảnh trí hữu tình mà ở đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, nổi tiếng gần xa. Trong đó, nổi bật phải kể đến bài Vè cổ của người Kẻ Rưng xưa – tinh hoa của văn hóa làng xã, “báu vật” của làng, hàm chứa những giá trị triết lý nhân sinh sâu sắc.
Báu vật đa cổ nghìn năm tuổi độc nhất vô nhị bên ngôi đền thiêng ở Hà Nội Những "báu vật" của Vương quốc Chămpa còn sót lại Cây hoa "báu vật" của làng Đình Thôn bung nở hoa đón hè

Vốn hình thành từ các làng cổ: Văn Trưng, Vĩnh Trưng, Thế Trưng, Bảo Trưng, nên Thị trấn Tứ Trưng ngày nay được nhiều người biết đến với cái tên vừa truyền thống, vừa thân mật là Kẻ Rưng. Ở đây có lễ hội Rưng - Lễ hội dân gian đặc sắc của Vĩnh Tường nổi tiếng cả một vùng mà dân gian vẫn lưu truyền “Bỏ con, bỏ cháu, không ai bỏ mùng Sáu hội Rưng”.

Đã có nhiều học giả quan tâm, nghiên cứu về văn hóa dân gian đặc sắc của người Kẻ Rưng xưa, song, nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật dân gian hát Vè của người Kẻ Rưng thì chưa có nhiều người đề cập đến. Cho đến khi tiến hành lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận đền Đức Ông là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, nhiều người mới biết, ở đây còn lưu giữ được một bài Vè cổ của người Kẻ Rưng xưa rất quý giá, do cụ Nguyễn Thị Thuận (88 tuổi) ở Thị trấn Tứ Trưng gìn giữ. Đây thật sự là nguồn tư liệu thành văn rất quý giá, cuốn “Biên niên sử”, “báu vật” của làng, hàm chứa những giá trị triết lý nhân sinh sâu sắc.

Cụ Nguyễn Thị Thuận (bên trái) đang nói về hát Vè (Nhiếp ảnh. Trịnh Quyến)
Cụ Nguyễn Thị Thuận (bên trái) đang nói về hát Vè (Nhiếp ảnh. Trịnh Quyến)

Bài Vè cổ có tên là “Lịch sử Tứ Trưng” gồm 115 câu được viết theo thể văn vần lục bát, song thất lục bát, giàu tính tự sự, phản ánh một cách tổng quát về lịch sử, văn hóa, con người, phong cảnh, lễ hội,…của thị trấn Tứ Trưng xưa. Có 42 trên tổng số 115 câu Vè đề cập một cách sinh động, toàn diện các khía cạnh về thời gian, không gian, địa điểm tổ chức, các nghi lễ, trò chơi, trò diễn dân gian,…trong lễ hội Rưng.

Theo bài Vè cổ do cụ Thuận lưu giữ được cho thấy, không gian văn hóa của lễ hội Rưng không chỉ bó hẹp trong phạm vi của ba làng Thế Trưng, Văn Trưng và Vĩnh Trưng như nhiều tài liệu đã công bố mà diễn ra trên phạm vi cả một vùng rộng lớn với những nghi lễ độc đáo, mang đậm sắc thái vùng miền rõ rệt: “Tháng Giêng mồng sáu tiệc vui/ Gần, xa nô nức đến chơi chợ này”, “Người xuôi, ngược Đông Tây kéo đến/ Khách vãng lai hàng quán nghỉ ngơi”,…“Thỉnh Kinh thời tại chùa Dăm/ Rước đức Thánh Khổng chùa Đồng ba anh/ Rước nước thời tại Vực Xanh/ Nghinh Thánh về đình, vui thật là vui”,…

Lời lẽ tự sự mộc mạc, giản dị, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, Vè của người Kẻ Rưng xưa đã phản ánh nét độc đáo của lễ hội Rưng mà không phải lễ hội truyền thống nào cũng có, đó là, ngoài không gian tổ chức tại đình, chùa, lễ hội còn được tổ chức tại chốn chợ quê (chợ Rưng). Có một sự trùng hợp nhẫu nhiên là lễ hội Rưng bắt đầu vào ngày mồng sáu tháng Giêng cũng là ngày diễn ra phiên chợ Rưng đầu tiên của năm.

Đền Đức Ông – Không gian tổ chức lễ hội Rưng
Đền Đức Ông – Không gian tổ chức lễ hội Rưng

Theo quan niệm dân gian: Đi phiên chợ đầu năm có ý nghĩa rất quan trọng, hoàn toàn không vì mục đích buôn hoặc bán mà quan trọng hơn là đi “mua” lấy cái may mắn, cái lộc, cái phúc cho cả năm. Chính vì thế, lễ hội Rưng đã có sức cuốn hút đông đảo các thành phần cư dân tham gia bao gồm: Nông dân, thợ thủ công và người buôn bán.

Không chỉ ở Tứ Trưng mà người dân ở tứ xứ cũng đổ dồn về đây trẩy hội. Bị cuốn hút vào đám đông khổng lồ, người hành hương những tưởng như mình đang trút bỏ được được mọi bụi trần để hòa nhập vào cái thế giới thần tiên. Dường như mọi mong muốn của người dân lao động bấy lâu hằng ấp ủ được thỏa mãn, mọi tài năng mà họ không có cơ hội thi thố thì nay được thả sức bộc lộ. Những người tham dự lễ hội thực sự được “sổng” hết mình trong cộng đồng và với cộng đồng để quên đi tất cả mọi lo toan, vất vả, lam lũ của cuộc sống đời thường.

Những điều ấy đã được Vè của người Kẻ Rưng xưa phản ánh, tái hiện rất sinh động: “Dưới trò vè các nghệ bày ra/ Nhà trò hàng huyện xướng ca/ Đôi bên hàng sứ vào ra đánh cờ/ Đôi bên tàn quạt phất phơ/ Bốn bề đào đỏ tranh đua chơi bời/ Trai tráng lực thi bơi thuyền ván/ Gái đương thì tranh giún đu đôi/ Trên cầu quan hội ngồi chơi/ Dưới đường kinh kệ các nơi cúng giàng/ Từ chợ cho chí tới làng/ Tổ tôm, tam cúc đánh dàn cung mây/ Nơi thì đào đọt hát hay/ Nơi thì chèo đuộm leo dây om thòm” hay “Ở trên thì đánh cờ người/ Ở giữa giải vật xem trai cứng mềm/ Người xem như thể đóng nêm/ Trên đình như thể quan tiền chuỗi khuy/ Ầm ầm trống đánh giục đi/ Lúa xay, lợn thả cơm thi ầm ầm/ Người sang lấy lửa bên đầm/ Người thời đánh cá, người đâm bánh dầy/ Người thời giò lụa khéo thay/ Người pha đường bột, người hay xôi mùi/ Người thi cơm đuốc dong chơi/Trống giục cho chóng đoạn thời tiến lên”.

Tất cả được đan quện vào nhau để tạo thành một bức tranh lễ hội muôn màu được kết tinh bằng ngôn ngữ giản dị, chân chất, mộc mạc của nghệ thuật Vè, tạo nên sức sống mãnh liệt cho văn hóa làng xã cổ truyền trước sự phong hóa và sàng lọc nghiệt ngã của thời gian để tồn tại đến ngày nay.

Tiếc rằng, do thử thách của thời gian, sự biến thiên của lịch sử, đến nay, những bài Vè cổ - nguồn tri thức dân gian quý giá của người Kẻ Rưng xưa dần mai một, chỉ còn tìm thấy một bài do cụ Thuận lưu giữ. Số lượng tuy không nhiều, song cũng đủ để khẳng định: Vè của người Kẻ Rưng xưa thật sự là tinh hoa của văn hóa làng xã, là “báu vật”, là mạch nguồn nuôi dưỡng đời sống văn hóa, tâm hồn của người dân nơi đây. Việc tìm hiểu về nghệ Vè của người Kẻ Rưng xưa chính là sự trở về với nguồn cội. Tất nhiên, sự trở về ấy không phải là hoài cổ mà là để kế thừa, phát huy những giá trị tích cực của quá khứ, làm điểm tựa cho việc xây dựng giá trị văn hóa làng hiện nay.

Phí Văn Liệu
Phiên bản di động