Những "báu vật" của Vương quốc Chămpa còn sót lại
Bên trong Bảo tàng Lịch sử TPHCM dành hẳn một căn phòng để lưu giữ hơn 100 cổ vật Chămpa có niên đại từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 17, trong đó có 3 bảo vật quốc gia.
Chămpa là quốc gia cổ của người Chăm, tồn tại ở dọc bờ biển miền Trung và miền Nam. Vương triều Chămpa cổ xưa phát triển rất mạnh về chính trị và kinh tế trong những thế kỷ đầu tiên sau công nguyên. Vương quốc này nổi lên nhờ mối quan hệ giao thương chặt chẽ giữa Đông Nam Á và Ấn Độ.
Rất nhiều ngôi đền cổ bằng gạch nằm tập trung ở tỉnh Quảng Nam và Bình Định, cũng như các bức tượng được tìm thấy ở vùng đất Chăm xưa cho thấy người Chăm rất quan tâm đến hai tôn giáo chính của Ấn Độ: Phật giáo và Ấn Độ giáo.
Ngoài những hiện vật độc nhất như bức tượng Devi Hương Quế nổi tiếng, bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử TPHCM còn bao gồm nhiều tượng Phật bằng đồng rất quý hiếm.
Trong phòng trưng bày có 3 bảo vật quốc gia. Nổi bật nhất là bức tượng đồng Avalokitesvara, được phát hiện những năm đầu thế kỷ 20 tại Quảng Bình. Tượng nặng 35 kg, cao 52 cm, tóc búi cao có miện chạm hình tượng Phật ngồi, mang nhiều trang sức. Tượng có 4 tay, 2 tay trước đưa ra cầm nụ sen và bình nước cam lồ.
Nằm bên cạnh là tượng Phật Đồng Dương được một người Pháp tìm thấy ở Quảng Nam năm 1911, có tuổi đời khoảng 1.200 năm. Tượng được làm bằng đồng thau, cao 120 cm, nặng 120 kg.
Tượng từng trưng bày ở nhiều nước. Trong triển lãm cổ vật Đông Nam Á ở Pháp, tượng được mua bảo hiểm 5 triệu USD.
Ngoài ra, Bảo tàng còn trưng bày các đồ vật sinh hoạt, các món trang sức của người Chăm.