VB4E - "Kiềng 3 chân" tạo đột phá trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Khởi động Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường, góp sức bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam |
Chiều 17/5, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) và Tập đoàn TH chính thức khởi động Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E).
Đại diện IUCN, đại diện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường (ISPONRE) và đại diện Tập đoàn TH thể hiện quyết tâm chung tay phát triển Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường (VB4E) |
Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam được thành lập với mục tiêu tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. VB4E là một sáng kiến do IUCN khởi xướng và được thành lập cùng với Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT) cùng Tập đoàn TH.
Liên minh sẽ tập trung vào ba hoạt động chính là xây dựng ngân hàng ý tưởng trực tuyến, hỗ trợ vận động chính sách và nâng cao năng lực. Một điểm nổi bật của VB4E đó là ngân hàng ý tưởng nơi các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp cùng các bên liên quan có thể hợp tác cùng xây dựng và thực hiện các dự án bảo tồn.
Hội thảo giới thiệu Liên minh đã đem đến một cơ hội hợp tác mới giữa doanh nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học đó là “Biện pháp Bảo tồn Khu vực Hiệu quả khác” (viết tắt là OCEM) |
Các dự án hợp tác có thể bao gồm những lĩnh vực chính như: bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa, phát triển du lịch bền vững, bảo tồn biển và ven biển, khôi phục cảnh quan rừng, bảo tồn nước và đất ngập nước, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu. Tham gia VB4E, các doanh nghiệp có thể tăng cường các nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua những dự án thực địa, chia sẻ và nhân rộng các thực hành doanh nghiệp bền vững, tham gia vào quá trình vận động chính sách và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
Ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN khu vực Indo-Burma Group/Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam phát biểu khai mạc: giới thiệu tổng quan về VB4E và mối liên hệ với “Biện pháp Bảo tồn Khu vực Hiệu quả khác” (OECMs). |
Phát biểu khai mạc, ông Jake Brunner - Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam cho biết: Có mặt ở Việt Nam từ năm 1993, IUCN làm việc chủ yếu với các cơ quan nhà nước và trong thời gian qua, chúng tôi tăng cường chương trình hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp cũng như tiếp tục duy tri hoạt động hợp tác với các cơ quan nhà nước góp phần tạo ra những thay đổi thực sự.
“Chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có tác động đến môi trường. Do đó, chúng tôi rất quan tâm đến chương trình hợp tác với tập đoàn TH, một trong những doanh nghiệp với các sản phẩm từ thiên nhiên và quan tâm đến môi trường”, ông Jake Brunner chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng ISPONRE phát biểu về thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư trong bảo vệ môi trường |
Ông Dương Thanh An, Viện phó Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (ISPONRE) chia sẻ: “Chúng tôi coi tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cơ quan nhà nước là một mục tiêu chiến lược. ISPONRE hiện đang được Bộ TN&MT giao cho là đơn vị trực tiếp hỗ trợ hoạt động đầu tư doanh nghiệp thông qua chương trình MBEST (Nhóm hỗ trợ Doanh nghiệp và Môi trường của Bộ). Chúng tôi nhận được sự ủng hộ lớn từ phía Bộ TN&MT để thành lập VB4E với sự cam kết toàn lực từ phía Viện”.
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Điều phối Phát triển Bền vững - Tập đoàn TH phát biểu lý do tham gia VB4E và cam kết của tập đoàn TH. |
Theo bà Hoàng Thị Thanh Thủy, do khiến Tập đoàn TH trở thành 1 trong 3 thành viên đồng sáng lập VB4E là do Liên minh phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của TH, được khởi xướng bởi các tổ chức uy tín quốc tế và khu vực công. Đồng thời, việc vận động các doanh nghiệp tham gia cùng sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng, tạo "luồng gió" kinh doanh ý nghĩa hơn, để lại những giá trị ròng bền vững về tiêu dùng và môi trường.
“Trong những năm qua, Tập đoàn TH đã và đang xây dựng chiến lược Phát triển Bền vững, thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, tiên phong ứng dụng nhiều giải pháp tiêu dùng giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường. Chúng tôi cho rằng hoạt động hợp tác này sẽ đem lại cơ hội đóng góp một cách có ý nghĩa vào bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích cho cộng đồng người tiêu dùng tại Việt Nam”, bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Điều phối Phát triển Bền vững của Tập đoàn TH phát biểu. “Chúng tôi rất hy vọng rằng VB4E sẽ là liên minh hỗ trợ các sáng kiến về môi trường của doanh nghiệp theo một cách thực tế và hiệu quả nhất, mà qua đó câu chuyện “phát triển bền vững” không chỉ là khẩu hiệu”.
Tham gia VB4E, các doanh nghiệp có thể tăng cường các nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua những dự án thực địa, chia sẻ và nhân rộng các thực hành doanh nghiệp bền vững, tham gia vào quá trình vận động chính sách và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
Đại diện IUCN cho biết: "VB4E chào đón sự tham gia của các doanh nghiệp từ nhiều ngành nghề khác nhau, có quan tâm và cam kết bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp có thể tham gia mà không phải đóng phí thành viên. Chúng tôi hy vọng VB4E là liên minh “Kêu gọi Hành động” nơi mà các ý tưởng của các doanh nghiệp thành viên sẽ được biến thành hành động. Tham gia VB4E, doanh nghiệp sẽ nâng tầm sự nghiệp bảo vệ môi trường và tạo thành sức mạnh tập thể góp phần giải quyết những thách thức về môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam".
Tại lễ khởi động Liên minh, IUCN đã giới thiệu một cơ hội hợp tác mới giữa doanh nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học đó là “Biện pháp Bảo tồn Khu vực Hiệu quả khác” (viết tắt là OCEM). IUCN đang xây dựng các hướng dẫn để công nhận và báo cáo các OECM; dự thảo phương pháp luận để xác định các OECM. Bộ TN&MT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước, trong đó bao gồm các khu vực OECM bên ngoài hệ thống khu bảo tồn. Trong thời gian tới, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi sẽ được trình để Quốc hội thông qua vào năm 2020, và Luật Đa dạng Sinh học cũng đang có kế hoạch sửa đổi, và đây là các cơ hội để định dạng OECM trong luật. |