Vận tải cũng 'khốn đốn' vì virus corona
Doanh nghiệp vận tải Hà Nội 'xin giải cứu' vì dịch virus corona |
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc và hơn 20 nước.
Đến 8h sáng 8/2, trên thế giới đã có 34.878 người mắc, 724 người tử vong, riêng Trung Quốc đại lục có 722 người chết. Tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 13 ca dương tính, trong đó có 3 trường hợp đã chữa khỏi và xuất viện.
Theo ghi nhận, dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra đang tác động tiêu cựu đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta, trong đó vận tải cũng không ngoại lệ.
Cảnh đìu hiu ở bến xe nước ngầm. |
Ghi nhận ngày 7/2 cho thấy, tại các bến xe trung tâm Hà Nội như Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình... lượng khách đìu hiu, không đông đúc như ngày thường.
Ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết: “Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, lượng khách đổ dồn về bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm tất thấp, lượng hành khách chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ các năm trước đây. Đây là tình trạng chung của các bến xe trên địa bàn Hà Nội, một số nhà xe còn phản ánh rằng, hiệu số ghế chỉ đạt 10/% khi xuất bến”.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, đại diện một số doanh nghiệp vận tải cho biết, do dịch bệnh nên người dân hạn chế đi lại số lượng khách đi xe giảm tới 50%, thậm chí có doanh nghiệp tới 70%.
"Tình hình này mà kéo dài là rất nghiêm trọng, chúng tôi sẽ phải giảm tần suất hoạt động và cắt giảm nhân sự để tiết giảm chi phí'', đại diện một hãng xe khách chia sẻ.
Tương tự, đối với loại hình xe hợp đồng phục vụ du lịch cũng bị ảnh hưởng, khi lượng khách sụt giảm trầm trọng do một số khu du lịch, danh lam thắng cảnh đóng cửa, các lễ hội bị tạm dừng.
Được biết, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội vừa có đơn kiến nghị các giải pháp giải cứu gửi Quốc hội, Chính phủ và các đơn vị liên quan vì ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona gây ra đối với các doanh nghiệp vận tải.
Theo đó, Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải hoặc đang thế chấp tại tổ chức cho vay vốn.
Cơ quan đại diện do các doanh nghiệp vận tải Hà Nội cũng kiến nghị giảm phí BOT từ 3% - 5% đối với các phương tiên chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải.
Bên cạnh đó, Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước ổn định giá xăng dầu tạm thời đến hết quý 2/2020, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xăng dầu nâng cao sản lượng xăng E5.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải được kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí lao động cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sử dụng một phần gói kích cầu (dự kiến 2.000 tỷ đồng) để hỗ trợ cho các đơn vị vận tải thực hiện các chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững.