Văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển Thủ đô
Tiềm lực về văn hóa
Từ 1013 năm trước, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, với tầm nhìn chiến lược, vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thành Đại La (tức Thăng Long), vùng đất có "thế rồng cuộn hổ ngồi", "núi sông sau trước", "chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, nơi đóng đô bậc nhất của kinh sư muôn đời".
Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, lịch sử đã chứng minh, quyết định dời đô của Đức vua Lý Thái Tổ đã mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của Kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt.
Cũng từ mốc son lịch sử đó tới thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, trải qua hơn 1000 năm với bao thăng trầm của Thủ đô và đất nước, Thăng Long - Hà Nội - hình tượng tiêu biểu nhất cho "khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi" - vẫn luôn vững vàng, hiên ngang, xứng đáng là kinh đô của các vương triều, là Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng của cả nước.
Ngày nay, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Hà Nội cũng luôn tự hào về các giá trị văn hóa, lịch sử cả truyền thống và hiện đại; “sở hữu” kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng (gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới; 1.350 làng nghề, làng có nghề...). Nói như TSKH. KTS Đào Ngọc Nghiêm: “Hà Nội tụ thủy, tụ nhân” với hơn 70% trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân lớn nhất cả nước.
GS.TSKH Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam |
Coi trọng nguồn lực văn hóa
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946, Bác Hồ đã khẳng định "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng năm 2021 nhấn mạnh: "Văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế".
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định một cách tuyệt đối chân lý mà Bác Hồ đã nêu từ năm 1946 và nhấn mạnh thêm một số nội dung, đặt văn hóa ngang hàng với với các lĩnh vực trọng yếu khác.
Đối với TP Hà Nội, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 15/NQ-TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với nghìn năm Thăng Long Hà Nội.
Chủ trương này đã được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa trong các nghị quyết, chương trình. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “... Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố Vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đồng thời, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; Giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; Coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững...”.
Lễ hội Cổ Loa của Hà Nội trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Nghị quyết cũng đồng thời xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.
Trong đó, Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực và sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Thủ đô.
Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU cũng đã chỉ đạo tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đây được coi là bước đột phá trong phát triển Thủ đô, nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô; trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...
Cần tận dụng di sản
GS.TSKH Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, thời gian qua, Hà Nội đã kiên trì mục tiêu phát huy nguồn lực văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Những thành tựu đạt được đã đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ hướng đến xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại mà còn góp phần hình thành những chuẩn mực văn hoá đối với Nhân dân Thủ đô, cốt cách tâm hồn người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mãi xứng đáng là "Trái tim của cả nước".
Cũng nhờ định hướng đúng đó, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Thủ đô Anh hùng", 3 lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được các tổ chức quốc tế vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo"…
Tuy vậy, để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, theo GS.TSKH Nguyễn Quang Ngọc, Hà Nội cần chú trọng lưu giữ giá trị của các di sản trong quá trình quy hoạch đô thị. Ông đặc biệt lưu ý 2 di sản quan trọng đó là Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa.
Thành Cổ Loa |
“Cấu trúc thành Cổ Loa rất đặc biệt với hệ thống hào nước, hệ thủy liên quan đến dòng sông Hồng, đời sống kinh tế, văn hóa của người Việt, thuộc loại hàng đầu trên thế giới. Nếu khôi phục được toàn bộ hệ thủy của Cổ Loa, chúng ta sẽ có một hình dung đầy đủ về kinh đô đầu tiên thời đại dựng nước của dân tộc. Điều này có ý nghĩa to lớn, phát huy được giá trị lịch sử của Công viên lịch sử văn hóa Cổ Loa”, ông Quang Ngọc nói.
Còn Hoàng Thành Thăng Long, GS Ngọc cho rằng, đó là bộ mặt của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời cũng là bộ mặt quốc gia Đại Việt, đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới từ hơn chục năm nay, tuy nhiên, vấn đề quy hoạch và quản lý, bảo tồn và phát huy vẫn còn những lúng túng.
Đồng tình với quan điểm này trong chiến lược phát triển của Thủ đô, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa là đang đi đúng với xu thế.
“Văn hóa là gắn với sáng tạo, hoạt động tinh thần trực tiếp. Nói đến văn hoá của Hà Nội thì từ lâu đã được coi di sản. Cần tận dụng di sản vốn có, phong phú để tạo ra sản phẩm văn hoá có chất lượng từ đó chuyển hoá thành công nghiệp văn hoá để tạo thu nhập và thu hút đầu tư để phát triển. Bên cạnh đó, phải có cơ chế, chính sách để kích thích tính sáng tạo của doanh nghiệp trong phát triển văn hoá”, TS Trần Đình Thiên cho biết.