PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: “Di sản Việt có sức sống mãnh liệt”

Tính đến nay, Việt Nam đã có 15 di sản văn hoá phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ít ai biết, đằng sau những hồ sơ được UNESCO công nhận là bóng dáng của một “bà đỡ mát tay” – PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ Bộ môn Di sản học, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị đẩy mạnh quảng bá về các di sản văn hóa phi vật thể Cộng đồng chia sẻ ký ức sẽ phát huy tốt nhất giá trị của di sản Bài 1: Di sản văn hóa - Nguồn lực để phát triển du lịch Đón đợi chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc"

Cuộc trò chuyện của PGS.TS Nguyễn Thị Hiền với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã hé mở thêm những điều thú vị về quá trình lập hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO vinh danh các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

“Bí quyết thuộc bài”

PV: Thưa bà, được biết, đến nay, bà đã trực tiếp chắp bút, lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh hàng chục di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam thành công, trong đó có: Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hội Gióng; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và Nghệ thuật Xòe Thái. Cơ duyên nào đưa bà đến công việc này?

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Tôi vốn là giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Tôi có 9 năm học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ về Văn hóa Dân gian tại Đại học Indiana (Mỹ) theo chương trình học bổng. Về nước, nhận công tác tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tôi có cơ hội tiếp cận với việc nghiên cứu văn hóa dân gian. Thêm nữa, tôi vốn có lợi thế về ngoại ngữ nên khi Viện làm hồ sơ ghi danh Quan họ Bắc Ninh, lãnh đạo Viện đề nghị tôi tham gia dịch thuật và chỉnh sửa hồ sơ. Từ đó đến nay, tôi chuyên tâm với công việc này và cảm thấy tự hào vì được góp một phần công sức vào việc thúc đẩy bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, giúp quảng bá văn hóa Việt đến với cộng đồng quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: “Di sản Việt có sức sống mãnh liệt”
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền

PV: Từng là thành viên của Hội đồng Thẩm định, Công ước 2003 nhiệm kỳ 2017-2020, có cơ hội thẩm định hàng trăm hồ sơ của các quốc gia khác, hẳn bà gặp nhiều thuận lợi khi làm hồ sơ trình UNESCO ghi danh các di sản của Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Trước tiên, để trình UNESCO, di sản đó phải nằm trong danh mục được Thủ tướng phê duyệt. Căn cứ trên cơ sở đó, các địa phương sở hữu di sản sẽ đề xuất và mời đơn vị tư vấn. Khi xây dựng hồ sơ phải dựa theo quy định của UNESCO. Một bộ hồ sơ gồm: Phim dài 10 phút, 10 ảnh, thể hiện thực trạng di sản, kèm theo đó là báo cáo kiểm kê, rút gọn 10 trang; Phiếu đồng thuận cộng đồng… Khó nhất đó là khi phải mô tả di sản gói gọn trong 250 từ, làm sao vừa phải cô đọng, chân thực, thể hiện cái hồn của di sản và sự vào cuộc của cộng đồng, để UNESCO thấy được giá trị của di sản phi vật thể đó.

Để có được một bộ hồ sơ cô đọng và đầy đủ nhất, ngoài việc tra cứu, tổng hợp các tài liệu về hướng dẫn làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, tôi phải dịch và quan sát những hồ sơ đã được ghi danh của các quốc gia khác, từ đó bám sát tinh thần Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh đó là những chuyến đi thực tế, điền dã, gặp gỡ các nghệ nhân, những người lưu giữ, trao truyền tinh hoa, hồn cốt của di sản, để từ đó, có một cái nhìn toàn diện, thấu đáo về việc cộng đồng vào cuộc, nỗ lực gìn giữ giá trị của di sản, đúng theo quy định của UNESCO.

Việc tôi là thành viên của Hội đồng Thẩm định, Công ước 2003 nhiệm kỳ 2017-2020 cũng thể hiện sự bình đẳng của chúng ta với bạn bè quốc tế, cho thấy Việt Nam có tiếng nói, có chuyên môn, có thể nêu ý kiến về các vấn đề liên quan đến hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và Công ước 2003 nói chung.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: “Di sản Việt có sức sống mãnh liệt”
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền trong các chuyến đi thực tế

PV: Được biết, hồ sơ của Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã hoàn thiện và chờ xét duyệt. Hiện bà đang trực tiếp tham gia lập hồ sơ khoa học cho di sản văn hóa Chèo Đồng bằng sông Hồng và Võ Bình Định. Bài học và kinh nghiệm của những lần “chiến thắng” trước có khiến bà tự tin hơn về khả năng 2 hồ sơ trên tiếp tục được UNESCO công nhận không?

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Hiện hồ sơ của Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã hoàn tất việc gửi đi, đợi xét duyệt. Riêng Chèo Đồng bằng sông Hồng và Võ Bình Định thì chúng tôi đang làm.

Nghệ thuật Chèo là một loại hình sân khấu dân gian của người Việt, gắn với các lễ hội dân gian, các hoạt động giao lưu văn nghệ ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Trải qua quá trình hình thành, phát triển lâu dài, đến nay, nghệ thuật chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội, trở thành một trong những môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của đất nước. Trong khi đó, võ cổ truyền Bình Định là “cái nôi” của nền võ học Việt Nam, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: “Di sản Việt có sức sống mãnh liệt”
Việt Nam đang được hoàn thiện hồ sơ cho di sản Võ Bình Định

Tính tôi cầu toàn, thường làm gì sẽ phải tập trung và chỉn chu nhất có thể. Từ hồi học phổ thông, tôi luôn là học sinh giỏi với bí quyết đơn giản là chăm chỉ và “thuộc bài’’. Khi làm hồ sơ di sản để trình UNESCO cũng vậy, kinh nghiệm sau nhiều lần rút ra là chỉ cần bí kíp thuộc quy định của họ, thỏa mãn đúng tiêu chí mà tổ chức này đề ra. UNESCO rất coi trọng văn hóa gắn với quyền con người. Ví dụ, võ cổ truyền Campuchia từng “trượt” vì mô tả, định nghĩa là sử dụng đao, kiếm để đánh nhau, như vậy là ảnh hưởng đến quyền con người. Vì thế, với Võ Bình Định, cũng cần phải thận trọng, tỉ mỉ từng câu chữ, để làm nổi bật giá trị của di sản này theo đúng tinh thần Công ước 2003 – đó là đề cao giá trị là nhận diện, ý nghĩa và vai trò của di sản này trong cộng đồng.

Sức sống mãnh liệt của các di sản Việt

PV: Sau những chuyến đi thực tế, tiếp cận với các câu lạc bộ văn hóa dân gian, các nghệ nhân, bà có nhận xét như thế nào về sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Di sản văn hóa phi vật thể mang lại giá trị, có vai trò, ý nghĩa với cộng đồng nên “sống” rất khỏe.

Khi tôi đến gặp gỡ các nghệ nhân chèo tại các làng xã vùng đồng bằng sông Hồng, tôi ngạc nhiên bởi có những cụ hơn 80 tuổi vẫn hát chèo rất hay. Họ hát trên chùa, trên đình, ở các lễ hội, thậm chí trong sinh hoạt hàng ngày. Ở Khánh Mậu (Yên Khánh – Ninh Bình), các gánh chèo tồn tại, gắn với sinh hoạt làng xã. Ở Đông Hưng (Thái Bình), có hơn 200 CLB Chèo. Có cụ cao tuổi, đi thoát ly bao nhiêu năm nhưng khi trở về quê, vẫn mê mẩn với Chèo và thành lập CLB, vận động mọi người tham gia. Thời công nghệ phát triển, họ livestream hát Chèo trên trang mạng, rồi sau đó tổ chức offline để gặp gỡ, để chia sẻ kinh nghiệm và sở thích hát chèo.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: “Di sản Việt có sức sống mãnh liệt”
Nghệ thuật Chèo Đồng bằng sông Hồng cũng đang được đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Đối với nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, không làm hồ sơ thì di sản vẫn “sống”. Một số gia đình nghệ nhân vẫn nỗ lực gìn giữ nghề từng ngày. Vẫn có các tour đưa học sinh đến làng Đông Hồ để trải nghiệm nghề làm tranh, nghệ nhân cũng được mời đến các trường, các festival làng nghề, làng văn hóa, các bảo tàng hoặc các sự kiện ngày như ngày lễ, Tết để nói chuyện và trình diễn làm tranh. Tất cả những hoạt động đó chứng tỏ rằng, bản thân di sản đó vẫn hiện diện trong đời sống; Nhà nước và cộng đồng vẫn đang nỗ lực bảo vệ di sản.

Đối với Xòe Thái, đó là một bộ hồ sơ tốt, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO. Chính quyền địa phương và cộng đồng đã thực hành tốt Xòe Thái, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. Do đó, Xòe Thái được lan tỏa và trở thành một sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của các dân tộc Tây Bắc.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: “Di sản Việt có sức sống mãnh liệt”
Xòe Thái đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 9 năm 2022.

PV: Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể cũng chính là nguồn lực để phát triển du lịch. Khai thác di sản để phát triển du lịch cũng là cách để bảo tồn, để lan tỏa sức sống của di sản. Bà nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: Sự vinh danh không phải là lý do để đảm bảo cho di sản “sống” mà điều làm cho di sản “sống” là cả nhà nước và cộng đồng đang bảo tồn di sản. UNESCO vinh danh là để đóng góp cho việc bảo vệ di sản nói chung, để cộng đồng nhận thức và quan tâm hơn đến di sản của mình, đầu tư nguồn lực để bảo tồn và phát triển.

UNESCO đã có thêm một văn bản quy định 12 nguyên tắc đạo đức nhấn mạnh, cộng đồng được thực hành, sử dụng di sản và cơ quan Nhà nước, công ty du lịch muốn lấy di sản đó để phát triển du lịch thì phải có sự đồng thuận của cộng đồng sở hữu di sản đó và phải chia sẻ lợi ích với họ.

Nên nhớ rằng, quan trọng nhất là di sản gắn với cộng đồng, mang lại giá trị cho cộng đồng. Sức sống của nó nằm ở cộng đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thái Sơn (thực hiện)
Phiên bản di động