Vai trò của phụ nữ Thủ đô trong mối quan hệ "Giới và Báo chí"

Đó là một trong những nội dung được đưa ra trong tọa đàm "Giới và Báo chí" được tổ chức hôm nay 18/10 tại Hà Nội.
Ngành ngân hàng nâng cao vai trò của phụ nữ trước những thách thức mới Thủ tướng: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm của phụ nữ Việt Nam Phụ nữ Thủ đô lan tỏa kiến thức về an toàn thực phẩmphu

Tọa đàm "Giới và Báo chí" do Câu lạc bộ Nhà báo nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, phối hợp với nhóm G4 gồm đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, Niu Di-lân, Thụy Sĩ và chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Tích cực tuyên truyền bình đẳng giới

Phát biểu chào mừng tại tọa đàm, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới, không thể không kể tới vai trò của báo chí.

Trong đó, các nhà báo góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, làm thay đổi các định kiến giới, tạo sự quan tâm đối với tiếng nói của đối tượng yếu thế.

Vai trò của phụ nữ Thủ đô trong mối quan hệ "Giới và Báo chí"
Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu chào mừng tại tọa đàm

Tuy nhiên, theo ông Patrick Haverman, khi tác nghiệp các vấn đề về giới, các nhà báo cũng cần thận trọng, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, trong đó, ưu tiên sự an toàn, quyền riêng tư của đối tượng được đề cập, đặc biệt tránh đổ lỗi cho nạn nhân.

Từ ngữ, hình ảnh các nhà báo sử dụng có thể định hình quá trình tiến bộ bình đẳng giới và ngược lại. Vì vậy, các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng cần được định hướng, nâng cao kỹ năng tuyên truyền về giới.

Đến từ Thông tấn xã Việt Nam, bà Vũ Hương Thủy, Phó Ban tin trong nước cho biết, mỗi năm Ban biên tập tin trong nước của TTXVN phát hơn 1.000 tin bài liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tập trung vào các nội dung: Truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; Phản ánh sự vào cuộc của các cấp, ngành, xã hội trong thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới; Các thành tựu của Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới; Các hoạt động góp phần đấu tranh phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Theo bà Thủy, để công tác tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới có hiệu quả, các cơ quan tổ chức, địa phương cần tạo điều kiện cho cơ quan báo chí tham gia vào quá trình xây dựng chính sách; được tiếp cận nhanh nhất nguồn tin chính thức, chính thống liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới.

Vai trò của phụ nữ Thủ đô trong mối quan hệ "Giới và Báo chí"
Các nhà báo sôi nổi đóng góp ý kiến tại tọa đàm

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thu Hà - Phó GĐ Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, VTV chia sẻ, hiện nay, Đài truyền hình Việt Nam và các Đài truyền hình địa phương cũng rất quan tâm tới vấn đề giới, thể hiện qua nhiều chương trình với tên gọi “đậm chất giới” như “Người phụ nữ hạnh phúc”, “Khi phụ nữ làm chủ”, “Phụ nữ là để yêu thương”...

Với hình thức thể hiện sinh động, các thông tin về giới do VTV thực hiện được nhiều khán giả đón nhận.

Tuy nhiên, theo bà Hà, hiện nay, việc đưa tin về giới trong một số nhà báo cũng đang bị chi phối bởi định kiến giới. Chẳng hạn như vào dịp 20/10, 8/3, theo quan sát của bà, nhiều phóng viên lại làm tin về các nữ cửu vạn ở các chợ... mà không phải là các phụ nữ tài giỏi, xinh đẹp. Điều này cho thấy định kiến nữ giới gắn với sự lam lũ, vất vả.

Đại diện tiếng nói của phụ nữ Thủ đô

Báo Phụ nữ Thủ đô là 1 trong 3 tờ báo cùng với TTXVN và Đài Truyền hình Việt Nam có tham luận chính thức tại tọa đàm, qua đó đưa ra góc nhìn của một tờ báo giới với các vấn đề về giới.

Theo đó, đúng như tên gọi, ngay từ khi thành lập, báo Phụ nữ Thủ đô đã xác định tôn chỉ, mục đích là diễn đàn về giới, bảo vệ, chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Cơ quan chủ quản của Báo là Hội LHPN Hà Nội cũng là tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho giới nữ, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Vì vậy, báo luôn được tạo điều kiện trong đưa tin về giới, bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới. Báo thường xuyên có các chuyên trang, chuyên mục trên cả báo giấy và điện tử mang đậm tính giới như: Tình yêu - Hôn nhân, Gia đình; Chuyên mục: Phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; Vitamin Tình yêu; Mở các diễn đàn lấy ý kiến độc giả về các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ;

Vai trò của phụ nữ Thủ đô trong mối quan hệ "Giới và Báo chí"
Báo Phụ nữ Thủ đô mang tới tọa đàm góc nhìn về vấn đề giới của một tờ báo giới

Theo bà Trần Hoàng Lan, Trưởng ban Gia đình - Chuyên đề, Pháp luật, báo Phụ nữ Thủ đô, là tờ báo giới, báo Phụ nữ Thủ đô cũng đang chịu định kiến về giới của xã hội khi cho rằng, báo chỉ quan tâm tới các vấn đề như “quan hệ mẹ chồng-nàng dâu”, “chuyện phòng the”, “tình cảm vợ chồng”... Từ đó đã cản trở phạm vi hoạt động, đề tài của phóng viên.

Bên cạnh đó, khi phóng viên đưa tin, viết bài về các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, một số nạn nhân nữ đã từ chối, che giấu cho thủ phạm do rào cản tâm lý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật.

Trong khi đó, nhiều nam giới lại định kiến báo Phụ nữ chỉ đấu tranh cho phụ nữ nên chưa cởi mở chia sẻ vấn đề mình gặp phải với báo Phụ nữ. Trong khi thực tế, vấn đề giới không chỉ là của riêng giới nữ.

Từ khó khăn này, báo Phụ nữ Thủ đô đưa ra một số kiến nghị như cần chống phân biệt đối xử đối với phóng viên làm việc trong các tờ báo giới; Cần có sự cởi mở hơn trong cung cấp, tiếp cận thông tin, khai thác thông tin đối với phóng viên ở báo giới; Cần có sự quan tâm nhiều hơn về nguồn lực, con người đối với báo giới và cần nâng cao nhận thức về giới cho các giới; Đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của báo giới.

Trong khuôn khổ tọa đàm, bà Minelle Mahtani, Phó Giáo sư Viện Tư pháp Xã hội, Đại học British Columbia, người đã giành được Huân chương Kim cương của Nữ hoàng Elizabeth II vì những đóng góp học thuật của mình về vấn đề chủng tộc và giới tính trên truyền thông cũng đã có bài chia sẻ về kinh nghiệm đưa tin về giới, lưu ý vấn đề nhạy cảm giới, tiếp cận nạn nhân bị bạo lực giới...

Đại sứ 4 nước hợp tác tổ chức tọa đàm cũng đã có phát biểu, đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới cũng như mong muốn có các cơ hội hợp tác sâu rộng với các cơ quan báo chí của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Dưới sự điều phối của bà Trần Lệ Thủy, giảng viên truyền thông, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI, các nhà báo cũng đã tham gia thảo luận, làm rõ thêm các vấn đề đang quan tâm.

Vai trò của phụ nữ Thủ đô trong mối quan hệ "Giới và Báo chí"
Báo Phụ nữ Thủ đô mang tới tọa đàm góc nhìn về vấn đề giới của một tờ báo giới

Theo bà Phạm Thị Mỵ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, hội thảo đã đem tới không gian cởi mở để các nhà báo và chuyên gia về giới và báo chí chia sẻ quan điểm về giới và báo chí

Sau hơn 3 giờ, tọa đàm “Giới và Báo chí” đã khép lại thành công.

Theo bà Phạm Thị Mỵ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, hội thảo đã đem tới không gian cởi mở để các nhà báo và chuyên gia về giới và báo chí chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm về giới và báo chí, qua đó góp phần thúc đẩy bình bẳng giới ở Việt Nam.

Bà Mỵ tin tưởng trong thời gian tới, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động bổ ích khác dành cho các nữ nhà báo để cùng tạo nên tiếng nói chung đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Hoa Thành
Phiên bản di động