Thủ tướng: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm của phụ nữ Việt Nam

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới...
Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023 Khởi nghiệp “độc và lạ” của giới trẻ

Ngày 14/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại lễ trao giải chung kết toàn quốc cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Chia sẻ tại lễ trao giải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 đã có 2.024 dự án/ý tưởng khởi nghiệp tham gia dự thi (tăng 30,67% so với cuộc thi năm 2021).

Lễ trao giải thưởng chung kết toàn quốc cuộc thi vinh danh 33 dự án khởi nghiệp tiêu biểu nhất, gồm 1 giải đặc biệt, 3 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 19 giải khuyến khích, với tổng trị giá giải thưởng trên 2,3 tỷ đồng.

Thủ tướng: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm của phụ nữ Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ trao giải. Ảnh: VGP

Trong số 33 dự án, có 13 dự án của các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ, 14 dự án của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 6 dự án của hộ kinh doanh cá nhân. Đặc biệt, có 2 dự án của phụ nữ khuyết tật và 7 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, biểu dương 33 dự án tham gia vòng chung kết toàn quốc năm 2023 và các tác giả dự án được giải của cuộc thi; ghi nhận, đánh giá cao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai hiệu quả đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, với nhiều đổi mới, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào phong trào khởi nghiệp, mục tiêu bình đẳng giới quốc gia và sự phát triển nhanh, toàn diện, bền vững của đất nước.

Theo Thủ tướng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó phụ nữ được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện.

Thủ tướng: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm của phụ nữ Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ trao giải.

Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023 đã xác định rõ nhiệm vụ khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Thủ tướng bày tỏ rất ấn tượng trước những ý tưởng táo bạo, đổi mới của các đề án khởi nghiệp của phụ nữ, đặc biệt là sự tâm huyết, trăn trở của các chị đối với việc khôi phục các nghề truyền thống đang có khả năng mai một; phát huy tài nguyên du lịch của quê hương; sử dụng tất cả những gì thiên nhiên ban tặng từ luỹ tre làng, hạt gạo quê hương, cây thảo mộc… đến truyền thống lịch sử hào hùng, bản sắc của địa phương… để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thẩm thấu trong từng sản phẩm nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới, phụ nữ Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn riêng, rất đặc thù trong hành trình khởi nghiệp, nước ta đang phải đối mặt với những "cơn gió ngược" của kinh tế toàn cầu, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của bản thân chị em mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành, ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ khởi nghiệp, nhất là cơ chế hỗ trợ về vốn, tư vấn pháp lý, tập huấn nâng cao năng lực toàn diện cho phụ nữ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại cho phụ nữ khởi nghiệp...

Cùng với đó là việc phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó lưu ý hệ sinh thái riêng cho phụ nữ khởi nghiệp; hình thành và phát huy hiệu quả mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế nhằm hỗ trợ các ý tưởng/dự án khởi nghiệp của phụ nữ.

Thủ tướng cũng đề nghị mở rộng phạm vi hoạt động và đối tượng thụ hưởng của các quỹ đầu tư khởi nghiệp các cấp để ngày càng có nhiều phụ nữ được tiếp cận với các quỹ, bảo đảm nguồn lực để hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Các ngân hàng nghiên cứu phát triển các gói sản phẩm phù hợp, ưu đãi dành cho các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó có dự án của phụ nữ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, hợp tác quốc tế cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của phụ nữ thông qua các diễn đàn, hội chợ, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư; hỗ trợ kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu, sử dụng sản phẩm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của phụ nữ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động