Ủy ban Kinh tế: Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quản lý thị trường vàng thời gian qua còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp...
Thủ tướng: Cấm lợi dụng thao túng thị trường vàng Ngăn chênh lệch giá không thể chỉ dựa vào nhập khẩu vàng

Ngày 20/5, tại kỳ họp thứ 7, báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.

Do đó, để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP Quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng, đồng thời, cũng chịu tác động từ sự suy giảm chung của kinh tế trong nước và thế giới. Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng.

Ủy ban Kinh tế: Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Trong các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), ngoại trừ xuất khẩu hàng hóa có mức tăng trưởng ấn tượng 15% trong 4 tháng đầu năm 2024, cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện, quý I/2024 nhập siêu dịch vụ là 2,33 tỷ USD.

Hầu như toàn bộ khâu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics, bảo hiểm vận tải đều do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận. Ngành khai khoáng suy giảm trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như giai đoạn trước dịch COVID-19.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp); cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Chi phí vận tải tăng khá mạnh, nhất là đường biển, tỷ giá biến động bất thường trong những tháng đầu năm cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đã buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro (tỷ lệ nợ xấu nội bảng bình quân toàn hệ thống ngân hàng thương mại cuối tháng 2/2024 là 4,86%).

Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức.

Tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có ngân hàng đã vượt 25 nghìn đồng/USD, dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới, chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn duy trì ở mức âm.

Đặc biệt là quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Cùng đó, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỷ đồng (cao nhất trong 3 năm gần đây) trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động