Ứng xử văn hóa để gia đình mãi là điểm tựa yêu thương
Những chiến binh áo đỏ kết nối yêu thương giữa tâm dịch Covid-19 tại Bắc Giang Chiến sĩ trẻ dân tộc Tày nguyện cả đời gieo hạt giống yêu thương Lan tỏa hành động đẹp để cuộc sống thêm tươi sáng |
Khi “tổ” không còn “ấm”
Nhiều gia đình ở Hà Nội có lịch trình sinh hoạt rất khác nhau. Bố mẹ dậy từ sáng sớm tất bật ra khỏi nhà, cả ngày bận rộn bên ngoài, “cơm hàng cháo chợ”, ăn cho xong bữa để làm hết việc. Đêm muộn trở về nhà chỉ kịp đặt lưng là ngủ để tái tạo sức lao động cho chuỗi ngày phía sau. Con cái nháo nhào lùa vội bát mì tôm do ông bà hoặc người giúp việc chuẩn bị, có khi đến cổng trường ăn tạm bánh mì, trưa ăn ở trường, tối mới về ăn cơm nhà. Học hành của các cháu đã có nhà trường, trung tâm ngoại ngữ hay gia sư “chia ca” chịu trách nhiệm.
Với những gia đình này, ăn với nhau một bữa cơm đã là khó nói gì đến việc trải qua những giờ phút hạnh phúc hay chia sẻ, tâm sự với nhau những điều không may để thêm gắn bó, yêu thương? Sự độc lập, thiếu liên kết sẽ tạo nên ý thức tự lực cánh sinh, ít dựa dẫm hay phụ thuộc, ỉ lại vào những người khác trong gia đình nhưng đồng thời cũng phá vỡ luôn mối liên kết tình cảm với nhau. Sự lạnh lùng, vô cảm trong xã hội hiện đại là nguy cơ tiềm ẩn và có thể phát triển mạnh mẽ nếu như các gia đình vẫn duy trì lối sống như vậy.
Hãy để bão dừng ngoài cánh cửa chứ đừng bão từ trong nhà ra |
Dù nhịp sống hiện đại đến đâu, dù công việc bận rộn hay có người phụ giúp, dù có điều kiện đủ đầy hay vật lộn mưu sinh thì mối quan hệ cha mẹ - con cái vẫn luôn là điều đầu tiên quyết định sự tồn tại của một mô hình gia đình. Cha mẹ là người sinh ra con, có trách nhiệm nuôi, dạy và hình thành nhân cách cho con, qua đó cũng hoàn thiện chính mình. Trông chờ vào người khác hay quá cứng rắn với con đều là những lối nuôi dạy con có nhiều “tác dụng phụ”. Cha mẹ phải chính là người trực tiếp nuôi dạy con, suy nghĩ cho con chứ không phải suy nghĩ cho bản thân mình, bắt con sống theo ý mình.
Khi bên ngoài xã hội có nhiều cám dỗ, khi những áp lực của cuộc sống khiến ta thiếu kiếm chế, gia đình chính là “ngọn hải đăng” soi đường rọi lối cho ta bước đúng và bước chắc trên con đường đời.
Gia đình hòa thuận, êm ấm sẽ là một tổ ấm đích thực để ươm mầm cho những cây non, cho chúng đủ ánh sáng và điều kiện thích hợp để vươn cao, vươn vững chắc với đời. Tình cảm yêu thương chan hòa trong gia đình cũng sẽ khiến con cái “thuần tính”, mềm mỏng trong mọi ứng xử, biết yêu thương, trân trọng mọi người trong xã hội.
Ở một nhánh khác của đời sống gia đình, đó là vấn đề “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” dẫn đến đường ai nấy đi, hậu quả không chỉ riêng với bản thân mà còn để lại di chứng nặng nề trong tâm hồn, cuộc sống của các con.
GS. TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển nhận định: “Không ở đâu ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em như ở Việt Nam. Có những trường hợp người vợ tìm cách trả thù chồng cũ bằng cách nói xấu chồng trước mặt con mình, gieo vào đầu con những hận thù. Ngược lại các ông bố giận vợ cũ thì tìm cách trút giận lên đầu đứa con bằng trận đòn roi. Đấy là chưa kể vợ hay chồng đi bước nữa, đứa trẻ phải chịu sự phân biệt đối xử”.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu gia đình và Giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, tỷ lệ 30% tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18 - 30; Trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1 - 5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng...
Viện này cũng chỉ ra mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến li hôn. Như vậy, đa phần việc li hôn là do những người trong cuộc chưa được chuẩn bị những kiến thức, kĩ năng tối thiểu để lập gia đình. Lối sống, lối cư xử không biết linh hoạt hài hòa, không có sự nhường nhịn, thấu hiểu, chia sẻ dẫn đến cái tôi cá nhân quá lớn, sẵn sàng giải phóng cho mình khỏi hôn nhân bất cần biết có ảnh hưởng đến ai hay không.
Gìn giữ nơi quan trọng nhất với mỗi con người
Bên cạnh đó, rất nhiều vụ án, hành vi vi phạm pháp luật mà dư luận đau đầu thời gian qua cũng liên quan đến yếu tố gia đình hay lối giáo dục từ gia đình. Rạn vỡ nhân cách, chấn thương tâm hồn, bất cần đời là nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên phạm tội. Những lúc như thế này vai trò của gia đình càng quan trọng.
Nếu ngay từ đầu, khi cha mẹ, ông bà ứng xử đầy tình người với nhau, con cái được sống trong môi trường nhân ái thì sẽ có ít nguy cơ làm điều xấu hơn. Ngay cả khi có những mâu thuẫn không thể cởi bỏ, ly hôn là biện pháp cuối cùng thì cha mệ nên có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con bình thường “như chưa hề có cuộc chia ly”. Những người thân trong gia đình càng phải có trách nhiệm hơn trong trường hợp con cháu thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ từ bố hoặc mẹ.
Ứng xử có văn hóa, tôn trọng lẫn nhau là cách để gia đình hiện đại tồn tại vững bền trước bão giông |
Với tất cả những nguy cơ, hệ lụy như trên, mỗi người nên ý thức hơn nữa tầm quan trọng của gia đình trong đời sống hiện đại để nâng niu, giữ gìn hơn nữa tổ ấm của mình trước sóng gió cuộc đời. Cái níu giữ mỗi người lại, đó chính là nét văn hóa gia đình, văn hóa ứng xử của từng cá nhân với cuộc sống gia đình. Nét văn hóa này cũng nằm trong văn hóa Hà Nội và văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói chung.
Không nói đến nét văn hóa về hiểu biết xã hội, kiến thức lịch sử khoa học, nét văn hóa ứng xử là điều căn cốt, làm nên con người đầu tiên. Bởi thực tế chứng minh, nếu nhà khoa học mà không biết ứng xử có văn hóa thì cũng khó sống trong cộng đồng. Trong khi một bác nông dân chẳng bằng cấp gì mà lại khiến người ta khâm phục bởi lối sống chan hòa, mẫu mực. Kiến thức có thể chỉ dùng đến trong những trường hợp cụ thể, còn phong cách sống, tính nết và lối ứng xử thì sẽ bộc lộ ra thường xuyên, bất cứ lúc nào trong ngày. Vì thế, trang bị những kĩ năng ứng xử tốt chính là để chuẩn bị cho mỗi người có một hành trang sống tốt.
Bác Hồ từng nói: “Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Trong công cuộc phát huy những nét ứng xử tốt đẹp cho một Hà Nội hiện đại và văn minh, có thể ví mỗi gia đình là một hạt nhân, mỗi thành viên trong gia đình đều đóng vai trò cốt lõi để lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy ra với xã hội.