Nhiều giải pháp về giao thông, môi trường cho đô thị thông minh
Sáng 30/11, Hội thảo “Các giải pháp, tiện ích số thông minh” đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023 do UBND TP Hà Nội và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Mô hình Advance AI View
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung (Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40% vào năm 2020, hiện có 862 đô thị. Phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị,...
Tại hội thảo, ông Phan Anh Hoàng – Giám đốc dự án, Viettel Flagship Camera đã trình bày về giải pháp camera giao thông minh tốc độ cao. Theo kinh nghiệm của ông Hoàng, tại nhiều thành phố trên thế giới, hiện nay, tỷ lệ lắp camera rất cao, thậm chí lên đến 1-2 người/camera. Bởi vậy, việc truyền dữ liệu toàn bộ về sever để xử lý cần phải đảm bảo được băng thông.
Tại nhiều đô thị của Việt Nam, xu thế quản lý và điều hành giao thông cũng đặt ra yêu cầu về sự tiện ích, thông minh, hiện đại hơn. Tuy vậy, trên thực tế, camera lắp đặt trên đường phố hiện nay thường chỉ tập trung vào các vạch tại ngã ba, ngã tư… với mục tiêu là nhìn được biển số xe vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ, rẽ làn sai…, từ đó, cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý vi phạm của chủ xe.
Các chuyên gia tham dự hội thảo |
Vì vậy, ông Hoàng đưa ra giải pháp về mô hình Advance AI View với lợi thế thu hồi dữ liệu giao thông và chủ động điều chỉnh nhịp đèn đỏ.
“Camera thông minh này hướng tới việc cung cấp thông tin giúp điều hành, quản lý đô thị hơn là hướng tới xử phạt. Cụ thể, camera thu thập bao gồm thông tin về mật độ lưu lượng, tổng số phương tiện đi qua, số phương tiện theo mỗi loại; Vận tốc trung bình, thời gian trung bình đi qua khu vực quản lý và các tín hiệu bất thường khác…” - ông Phan Anh Hoàng chia sẻ.
Ông Phan Anh Hoàng chia sẻ về giải pháp ứng dụng camera thông minh trong điều hành giao thông |
Theo ông Hoàng, ứng dụng này đã triển khai ở Hải Phòng và đang thử nghiệm ở Huế. Việc áp dụng camera này cùng chế tài xử phạt và nâng cao hiệu quả tuyên truyền đã làm cho ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng cao; tai nạn giảm đi. Bên cạnh đó, từ ứng dụng camera thông minh này, tín hiệu giao thông nhịp nhàng đã hạn chế được tình trạng tắc đường.
Các giải pháp về giảm ô nhiễm môi trường đô thị
Tại hội thảo, ông Vũ Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc, Công ty Dr.SME Tư vấn tái cấu trúc chuyển đổi số, chuyển đổi số lại trình bày quan điểm về việc người dân là đối tượng thụ hưởng và là động lực cho các giải pháp. Theo chuyên gia này, để giảm phát thải CO2 trong thành phố, cần phải tính đến tác động của thương mại điện tử. Cụ thể, hoạt động thương mại điện tử cũng làm tăng phát thải bởi nhu cầu giao thông vận chuyển hàng hóa.
Theo khảo sát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hoạt động giao thông có lượng phát thải cao, chiếm khoảng 90% trong tổng phát thải CO, S02. Bởi vậy, cần phải “xanh hóa” khâu vận chuyển bằng cách sử dụng việc vật liệu giảm tác hại môi trường, tức là chú trọng khâu đóng gói.
Ông Tuấn Anh đưa ra mô hình phân tán kết hợp cộng đồng. Theo đó, khách hàng tự lấy hàng ở từng điểm giao - nhận nhỏ lẻ bằng cách sử dụng xe đạp và tối ưu chuỗi cung ứng vào các khung giờ khác nhau để giảm tắc đường.
Ông Bùi Tiến Dũng, Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Vconex đưa ra giải pháp quản lý tập trung thông tin dữ liệu hệ thống xử lý nước thải đô thị thông minh dựa trên IoT, AI |
Ở khía cạnh môi trường, ông Bùi Tiến Dũng, Giám đốc phát triển dự án tích hợp hệ thống (Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Vconex) lại đưa ra giải pháp quản lý tập trung thông tin dữ liệu hệ thống xử lý nước thải đô thị thông minh dựa trên IoT, AI để nâng cao chất lượng sống, hiệu quả vận hành, quản lý, tiết kiệm chi phí…
Ông Kỳ Quang Minh – Trưởng bộ phận giải pháp, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa lại đưa ra giải pháp Khu công nghiệp thông minh bằng năng lượng tái tạo, trong đó, nhấn mạnh năng lượng sạch.Theo ông Minh, việc phát triển các khu công nghiệp thông minh và bền vững, chú trọng các giải pháp tự động hóa, áp dụng quy trình sản xuất thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo… sẽ mang lại sự an toàn, đáng tin cậy, hiệu quả cho các doanh nghiệp, từ đó giúp khu công nghiệp thu hút doanh nghiệp lớn, đồng thời tuân thủ các quy định về môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.