UBND quận Nam Từ Liêm có trách nhiệm giải quyết sai phạm tại dự án C37 Bắc Hà Tower
Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà “ôm” quỹ bảo trì nhiều năm không trả cư dân TP Lào Cai ngập sâu, Nhà máy thủy điện Bắc Hà bất ngờ xả lũ |
Trách nhiệm của UBND quận Nam Từ Liêm
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - Nguyễn Ngọc Tuấn vừa có phiếu chuyển đơn tới UBND quận Nam Từ Liêm về kiến nghị, phản ánh của Ban Quản trị nhà chung cư Bắc Hà Tower (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) việc chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà vi phạm pháp luật tại chung cư C37 Bắc Hà Tower.
Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà bị tố "ôm" quỹ bảo trì nhiều năm không trả cư dân chung cư C37 Bắc Hà Tower |
Cụ thể, theo đơn phản ánh Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà xây dựng một số hàng mục công trình không đúng công năng, vị trí so với phương án kiến trúc được phê duyệt, hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà không đảm bảo an toàn và không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định để chứng minh sở hữu riêng.
Đặc biệt, chủ đầu tư không đóng kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc chủ đầu tư từ tháng 4/2016 đến nay; không đóng phí dịch vụ từ tháng 10/2020 đến nay, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành và không bàn giao hạ tầng, đường giao thông, vỉa hè cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Qua đó, sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định "nội dung phản ánh của cư dân C37 Bắc Hà thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện (UBND quận Nam Từ Liêm - PV) thực hiện việc quản lý, sử dụng nhà nước về nhà ở trên địa bàn.
Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm gửi kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Bộ Trưởng Bộ Xây dựng.
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ trách nhiệm của UBND quận Nam Từ Liêm trong giải quyết đơn phản ánh của cư dân chung cư C37 Bắc Hà Tower. |
Nhiều năm chưa bàn giao quỹ bảo trì
Trước đó, Báo Tuổi trẻ Thủ đô có bài viết phản ánh Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà “ôm” quỹ bảo trì nhiều năm không trả cư dân. Theo đó, cộng đồng cư dân chung cư C37 Bắc Hà Tower phản ánh chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà chưa đóng kinh phí bảo trì 2% đối với phần diện tích của chủ đầu tư quản lý.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng không nộp phí dịch vụ đối với diện tích sử dụng cho mục đích riêng (từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021) vào số tài khoản chung gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành của Ban Quản trị chung cư C37 Bắc Hà Tower.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay: “Việc chưa bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì của chủ đầu tư chung cư C37 Bắc Hà Tower là vi phạm quy định của pháp luật.
Theo quy định, tại Điều 36, Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 nêu rõ:
"Người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này). Chủ đầu tư phải mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư nộp; khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn.
Tại Khoản 2, Điều 36 có nêu: "Chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản đã mở theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng (bao gồm số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản này); người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng này hoặc nộp cho chủ đầu tư để chuyển vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng; nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này".
Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà chưa đóng kinh phí bảo trì 2% cho cư dân |
Nghị định khẳng định: "Đối với phần diện tích nhà mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm nghiệm thu đưa toàn bộ nhà chung cư vào sử dụng mà thuộc diện phải nộp kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị nhà chung cư (sau đây gọi chung là Ban quản trị) theo quy định của Luật Nhà ở thì chủ đầu tư phải chuyển số kinh phí này vào tài khoản đã lập quy định tại Khoản 1 Điều này".
Ngoài ra, sau khi Ban quản trị được thành lập và có văn bản yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang tạm quản lý thì chủ đầu tư và Ban quản trị thống nhất lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì; căn cứ vào số liệu quyết toán do hai bên thống nhất, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển kinh phí bảo trì thuộc diện phải chuyển giao theo quy định của pháp luật về nhà ở sang cho Ban quản trị quản lý thông qua hình thức chuyển khoản”.
Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định thì Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì trong thời gian 15 ngày, hoặc nếu quá thời hạn trên, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản”.