Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà “ôm” quỹ bảo trì nhiều năm không trả cư dân
TP Lào Cai ngập sâu, Nhà máy thủy điện Bắc Hà bất ngờ xả lũ Chùm ảnh: Bắc Hà – những ấn tượng khó phai |
Nợ phí bảo trì nhiều năm không bàn giao
Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được phản ánh của cộng đồng cư dân chung cư C37 Bắc Hà Tower (địa chỉ tại số 17 đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về việc chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà chưa đóng kinh phí bảo trì 2% đối với phần diện tích của chủ đầu tư quản lý.
Cư dân chung cư C37 Bắc Hà Tower (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tố Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà "găm" quỹ bảo trì không bàn giao |
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng không nộp phí dịch vụ đối với diện tích sử dụng cho mục đích riêng (từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021) vào số tài khoản chung gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành của Ban Quản trị chung cư C37 Bắc Hà Tower.
Trao đổi về những phản ánh trên, bà Dương Thị Thúy Hà - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà, Trưởng Ban Quản lý chung cư Bắc Hà Tower khẳng định đúng là có việc kinh phí bảo trì chưa nộp.
Giải thích cho việc này, bà Hà cho rằng: “Chủ đầu tư đã nhiều lần thông báo với Ban Quản trị cung cấp tài khoản đồng sở hữu giữa chủ đầu tư và Ban Quản trị, tuy nhiên, Ban Quản trị không cung cấp nên chúng tôi chưa nộp số tiền đó”.
Về phần phí dịch vụ, Chủ đầu tư chỉ đồng ý nộp phí dịch vụ phần mà chủ đầu tư sử dụng. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có phần tầng hầm B1 là phần diện tích chung (288m2 - pv) nên muốn khấu trừ phần phí dịch vụ chung mà chủ đầu tư sử dụng vào tỷ lệ sử hữu này. Tuy nhiên, Ban Quản trị đã vận hành được 10 tháng nhưng vẫn chưa báo cáo thu chi để khấu trừ vào đó mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần thông báo với Ban Quản trị họp bàn về việc sở hữu chung, riêng ra sao để đóng góp nhưng hiện vẫn chưa diễn ra cuộc họp này.
Bà Hà Khẳng định, “Chúng tôi đã gửi bảng kê chi tiết phần mà chúng tôi sử dụng cho Ban Quản trị tòa nhà để nộp theo mức đã sử dụng nhưng Ban Quản trị không đồng ý và yêu cầu chủ đầu tư nộp phần sở hữu riêng như hầm B2, Trung tâm thương mại. Đối với tầng hầm B2, chủ đầu tư có sổ đỏ sở hữu riêng nên việc quản lý là của chủ đầu tư.
Lý do chủ đầu tư không nộp phần phí dịch vụ là bởi vì tầng hầm B2 là sở hữu riêng, trong khi đó, phần điện, nước, vệ sinh, bảo vệ hoàn toàn riêng biệt mà không liên quan tới vận hành chung của tòa nhà. Qua đó, chủ đầu tư chỉ đồng ý nộp phần phí dịch vụ mà chủ đầu tư sử dụng của tòa nhà”.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Hùng – Trưởng Ban Quản trị tòa nhà C37 Bắc Hà Tower cho hay: “Hiện tại đã có một tài khoản đứng tên hai người trong ban Quản trị và phía chủ đầu tư đã chuyển vào tài khoản này 20 tỷ đồng vào thời điểm tháng 4/2019, sau khi có đơn kêu cứu của cư dân. Chủ đầu tư xác định số tiền phải nộp vào là bao nhiêu thì khi đó Ban Quản trị sẽ bổ sung thêm thành viên đồng sở hữu của phía công ty Bắc Hà”.
“Việc công khai tài chính tầng hầm B1, thì phía chủ đầu tư muốn chia theo tỷ lệ, như vậy thì sẽ phải chia đều cho 600 hộ dân tại chung cư C37. Trong thời gian tới, tại hội nghị chung cư thường niên sẽ công khai số liệu báo cáo tài chính về thu chi tầng hầm B1. Việc quản lý vận hành của chủ đầu tư trong bốn năm qua là cũng đã nắm rõ về thu chi tài chính rồi nên phía Bắc Hà chỉ lấy lý do bao biện cho việc chậm chuyển kinh phí bảo trì và dịch vụ.” - ông Hùng cho biết thêm.
Ban Quản trị khẳng định, Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà đã chuyển số tiền 20 tỷ đồng vào tài khoản chung, tuy nhiên chưa đưa báo cáo chi tiết số tiền quỹ bảo trì phải nộp vào là bao nhiêu nên hiện tại chưa có biên bản bàn giao số kinh phí này. Đặc biệt là kinh phí 2% đối với diện tích sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Cư dân bức xúc khi chủ đầu tư không trả quỹ bảo trì |
Có thể cưỡng chế thu hồi quỹ bảo trì với chủ đầu tư
Để làm rõ vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay: “Việc chưa bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì của chủ đầu tư chung cư C37 Bắc Hà Tower là vi phạm quy định của pháp luật.
Theo quy định, tại Điều 36, Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 nêu rõ:
"Người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này). Chủ đầu tư phải mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư nộp; khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn.
Cư dân cũng yêu cầu chủ đầu tư không để xe lên vỉa hè gây nguy hiểm cho cư dân nhưng không được chấp thuận |
Tại Khoản 2, Điều 36 có nêu: "Chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản đã mở theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng (bao gồm số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản này); người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng này hoặc nộp cho chủ đầu tư để chuyển vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng; nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này".
Nghị định khẳng định: "Đối với phần diện tích nhà mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm nghiệm thu đưa toàn bộ nhà chung cư vào sử dụng mà thuộc diện phải nộp kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị nhà chung cư (sau đây gọi chung là Ban quản trị) theo quy định của Luật Nhà ở thì chủ đầu tư phải chuyển số kinh phí này vào tài khoản đã lập quy định tại Khoản 1 Điều này".
Ngoài ra, sau khi Ban quản trị được thành lập và có văn bản yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang tạm quản lý thì chủ đầu tư và Ban quản trị thống nhất lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì; căn cứ vào số liệu quyết toán do hai bên thống nhất, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển kinh phí bảo trì thuộc diện phải chuyển giao theo quy định của pháp luật về nhà ở sang cho Ban quản trị quản lý thông qua hình thức chuyển khoản”.
Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định thì Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì trong thời gian 15 ngày, hoặc nếu quá thời hạn trên, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản”.
Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà từng bị thanh tra chỉ ra sai phạm về quỹ bảo trì |
Từng bị thanh tra chỉ ra ra sai phạm về quỹ bảo trì
Trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng có kết luận thanh tra tại dự án khu nhà hỗn hợp và một phần nhà ở để bán cho cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14 - Bộ Công an), gọi tắt là cụm chung cư C14 dù công trình đã được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2015, tuy nhiên đến tháng 10/2020, Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà không đóng phí bảo trì đối với phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua.
Đến tháng 12/2020, Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà đóng vào tài khoản tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng, số tiền còn lại phải đóng là hơn 13 tỷ đồng. Đến ngày 21/1/2021, chủ đầu tư cũng đã đóng nốt 13 tỷ đồng và tài khoản kinh phí bảo trì do chủ đầu tư đứng tên tài khoản.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Công ty Bắc Hà tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý trách nhiệm với các phòng ban, các tổ chức cá nhân việc chậm đóng 2% giá trị phần diện tích giữ lại.
Công ty CP tập đoàn Bắc Hà có địa chỉ trụ sở tại số 29, ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Đại diện pháp luật là ông Khúc Đình Thêm, bà Khúc Thị Dậu làm Tổng Giám Đốc. |