Tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023

200 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tuyên dương nhà giáo trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2023 Cảm ơn, tri ân sâu sắc thầy cô giáo đã vun đắp cho sự nghiệp trồng người Sôi nổi các hoạt động hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam

Chiều 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục thuộc các Sở GDĐT, các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm.

Lễ tuyên dương cũng là dịp tuyên truyền, tạo sức lan tỏa, nhân rộng gương sáng nhà giáo điển hình tiên tiến, có nhiều cống hiến và đóng góp trong toàn ngành, đồng thời động viên đội ngũ nhà giáo vượt khó vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Mỗi nhà giáo được tuyên dương ngày hôm nay là tấm gương tiêu biểu, được lựa chọn trong số hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước. Đây là các thầy giáo, cô giáo ở những miền xa xôi của Tổ quốc, đã đạt được nhiều thành công trong giảng dạy, có cách làm sáng tạo trong triển khai chủ trương, đường lối và các quyết sách của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, nhiều nhà giáo đã vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong đó, nhiều thầy, cô đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, đã dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho học sinh thân yêu. Các thầy, cô đã mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao cả. Dù trong hoàn cảnh nào, các nhà giáo vẫn luôn giữ trọng đạo nghề, dành nhiều tâm sức cho sự nghiệp trồng người và kiến tạo nên các giá trị cao đẹp cho xã hội và cho cuộc sống. Đó vừa là quyết tâm, vừa là chỗ dựa để các thầy, cô theo được nghề và làm tốt sứ mệnh của mình.

“Ngành Giáo dục và Bộ GDĐT luôn trân trọng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn những gì mà các thầy, cô giáo đã, đang và sẽ đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà”, Bộ trưởng nói.

Tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao Bằng khen cho giáo viên tiêu biểu

Chia sẻ về quá trình đổi mới giáo dục đang diễn ra, Bộ trưởng khẳng định, lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành công của toàn bộ quá trình này và cho rằng: Đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo. Nhìn nhận theo hướng tích cực, quá trình đổi mới đang là cơ hội để mỗi nhà giáo thay đổi bản thân, đổi mới sáng tạo, trang bị và tích lũy kiến thức và kỹ năng mới tiến bộ hơn, triển khai thành công công việc dạy học, trang bị kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực cần thiết cho học trò.

“Trong quá trình ấy, thách thức và cơ hội lớn nhất chính là đổi mới bản thân và vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo. Bởi thế, sự đổi mới của các thầy cô đạt được đến đâu, thì sự đổi mới của ngành giáo dục chúng ta đạt được đến đó”, Bộ trưởng gửi gắm, đồng thời cũng cho biết: Bộ GDĐT xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định mọi thành công của giáo dục và đào tạo. Lãnh đạo Bộ GDĐT đã, đang và sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng và đặc biệt là về chất.

Bên cạnh ghi nhận đóng góp hết sức ý nghĩa của các thầy cô giáo, Bộ trưởng Bộ GDĐT nhắn gửi tới các thầy cô về tinh thần vượt khó, tinh thần vượt qua chính mình. Theo Bộ trưởng, nếu chúng ta chỉ vượt khó mà không vượt lên bản thân mình thì giáo dục của vẫn chỉ dừng là một nền giáo dục vượt khó thôi. Mà những chân trời của sự phát triển con người không chỉ dừng ở chỗ vượt khó. Vì vậy, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm ở phía trước, mặc dù sự vượt khó đã là vô cùng đáng quý.

Nhắc tới sự “lan toả” như yếu tố đổi mới trong thực tế, bằng thực tế, bằng sự sinh động của kinh nghiệm, Bộ trưởng chia sẻ: Sự nghiệp đổi mới giáo dục của đất nước bắt đầu bằng những chủ trương của Đảng, bắt đầu bằng thể chế, bằng chính sách, bằng các chỉ đạo, quy định nhưng lý luận không thể xanh tươi như cuộc sống, các thầy cô là những người triển khai sự đổi mới trong thực tế và bằng kinh nghiệm, bằng sự nỗ lực của mình các thầy cô là những người đầu tiên đã thành công trong thực tế. Và vì vậy. nhiệm vụ của các thầy các cô, những người được vinh danh tiêu biểu, tiên tiến, xuất sắc còn phải góp phần lan toả những gì mình đã tâm đắc, lan toả những gì mình đã làm được, lan toả những gì mình đã tích luỹ được.

“Mong rằng, 200 thầy cô với những thành công của mình tiếp tục lan toả trong bộ môn của mình, trong tổ chuyên môn của mình, trong trường của mình, trong thôn bản của mình… Như vậy chúng ta sẽ có thêm sự lan toả kinh nghiệm của mình trong thực tế”, Bộ trưởng nói.

Nhấn mạnh, đổi mới là một quá trình, từ chính sách đến thực tiễn luôn luôn còn một khoảng cách, Bộ trưởng cho hay: Bộ GDĐT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước ban hành chính sách vừa lắng nghe các thầy cô để tiếp tục điều chỉnh, để sự đổi mới của chúng sẽ đổi mới một cách có lý luận, có định hướng nhưng không thể thay được sự thay đổi trong thực tế của chính các thầy cô.

“Chúng ta luôn tâm niệm nghề giáo là nghề cao quý và luôn cần giữ sự tôn nghiêm. Nhưng để có sự tôn nghiêm trước hết với nhà giáo chúng ta cần làm thật tốt công việc của mình để từ đó có tinh thần và ý thức đầy đủ để giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta khẳng định được giá trị bền vững của nghề nghiệp, những giá trị tốt đẹp của nghề nghiệp lan toả cho xã hội”, nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời gửi tới các thầy giáo lời chúc mừng tốt đẹp nhân dịp 20/11. Chúc cho toàn thể các thầy, các cô mạnh khoẻ, ngày càng giữ vững niềm tin, vững lòng và ngày càng đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp của cá nhân và sự nghiệp của toàn ngành.

Thay mặt 200 nhà giáo tiêu biểu chia sẻ cảm tưởng, thầy giáo Nguyễn Thành Nhân, giảng viên cao cấp tại Khoa Toán - Tin học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Được tham dự Lễ tuyên dương nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một niềm vui bất ngờ và vinh dự.

“Bất ngờ, là bởi những đóng góp đã thực hiện được thực sự còn quá nhỏ bé so với những hy sinh thầm lặng của nhiều thầy cô giáo trong ngành, so với sự cống hiến của những thầy cô đã từng dạy dỗ tôi trưởng thành. Các thầy cô luôn là những tấm gương sáng ngời về đạo đức, về sự tận tụy và lòng yêu nghề, luôn hết lòng yêu thương với các thế hệ học trò. Nhờ những ký ức đẹp của tuổi thơ về thầy cô giáo của mình, mà tôi đã yêu mến, rồi lựa chọn và gắn bó với nghề giáo trong nhiều năm qua. Tôi hi vọng những đóng góp hôm nay cho sự nghiệp giáo dục có thể thay cho một lời tri ân đối với những người thầy của mình”, thầy Nguyễn Thành Nhân giãi bày.

Chia sẻ về những ngày đầu làm nghề giáo với thu nhập khiêm tốn đã khiến thầy Nhân không ít trăn trở, nhưng khi được đón nhận niềm vui là thành công của học trò, thầy Nhân tâm niệm “từ đó, tôi nguyện với lòng sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong sự nghiệp của mình, góp phần trải bước cho các thế hệ học trò tiếp theo, để hạnh phúc mãi còn tiếp nối”.

Tại Lễ tuyên dương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã tăng Bằng khen và chúc mừng 200 nhà giáo tiêu biểu.

PV
Phiên bản di động