Tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận về Quy hoạch Thủ đô

Ngày 20/6 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch Thủ đô Thanh niên làm nên sức sống của Thủ đô

Theo chương trình dự kiến, tuần tới, Quốc hội sẽ bước vào đợt 2 kỳ họp thứ 7, tập trung xem xét nhiều dự án luật quan trọng.

Theo đó, ngày 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Đồng thời, Quốc hội cũng thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận về Quy hoạch Thủ đô
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Ngày 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Ngày 19/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe tờ trình về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; dự án Luật Phòng không Nhân dân và thảo luận ở tổ về 2 nội dung này.

Ngày 20/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; thảo luận chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Ngày 21/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; thảo luận dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Trước đó, chiều 11/6, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ đã cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo quy định của Luật Thủ đô và Luật Quy hoạch thì Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội.

Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô trước khi phê duyệt là đúng với quy định và phù hợp với thẩm quyền.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến cho rằng, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được xây dựng công phu, cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính Phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế, TP Hà Nội và các cơ quan liên quan đã tích cực chuẩn bị hồ sơ của hai nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài theo chủ trương của Đảng, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân Thủ đô, cả nước; Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, TP Hà Nội đã rất cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ngh Chính phủ khẩn trương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến của Ủy ban Kinh tế để hoàn thiện hồ sơ, tờ trình hai nhiệm vụ quy hoạch trình Quốc hội cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong quá trình hoàn thiện cần lưu ý một số nội dung như: Rà soát, đảm bảo quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô tuân thủ Luật Quy hoạch; bám sát Kết luận số 80 -KL/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Đồng thời, có tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội, tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” cả trước mắt và lâu dài.

Quy hoạch cần đảm bảo thống nhất, đồng bộ; không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống giao thông cảng hàng không, sân bay, quy hoạch bảo vệ môi trường, mạng lưới trường đại học, mạng lưới cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, rà soát, hoàn thiện đảm bảo hai quy hoạch phù hợp, tương thích với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); rà soát kỹ lưỡng các nội dung cụ thể và vấn đề đã được cơ quan thẩm tra nêu trong báo cáo thẩm tra.

Đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu bổ sung đánh giá số liệu cụ thể đối với hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, làm rõ hơn tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị, quỹ đất dành cho giao thông; tính đồng bộ giữa các phương thức vận tải; việc liên kết giữa các ngành.

Bên cạnh đó, đánh giá kỹ hơn điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế của các quy hoạch thời kỳ trước để hoàn thiện quy hoạch Thủ đô. Cụ thể hơn mục tiêu phát triển, lưu ý bổ sung chỉ tiêu về văn hóa, môi trường, nghiên cứu chỉnh lý để lựa chọn ngành quan trọng tương ứng với các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển; tránh dàn trải và không quá chi tiết.

Về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung một số nội dung dự báo, dự kiến như: Dự báo về dân số cho phù hợp với thời kỳ, tầm nhìn mới của quy hoạch; rà soát hoàn thiện các chương trình, dự án đột phá trọng tâm của thời kỳ quy hoạch phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính và đặt trong mối quan hệ với các địa phương khác.

Hậu Lộc
Phiên bản di động