Tuần tới, Quốc hội chất vấn 4 tư lệnh ngành

Theo dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 4-6/6 tới đây.
Quốc hội sẽ giám sát tối cao về môi trường hoặc nhân lực chất lượng cao Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo chương trình, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 4-6/6), tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Kiểm toán, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.

Nhóm vấn đề thứ 1 thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường gồm: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia. Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước. Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực Công thương gồm: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tuần tới, Quốc hội chất vấn 4 tư lệnh ngành
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Kiểm toán gồm: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán Nhà nước. Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Người trả lời chất vấn là Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Văn hóa - Thể thao và Du lịch gồm: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm. Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng là người trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Chia sẻ với báo chí trước thềm phiên chất vấn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của cử tri và Nhân dân cả nước. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đều được phát thanh truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước cùng nắm bắt.

Đây là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri của mình với tư cách là người đại diện quyền lực của Nhân dân, thay mặt Nhân dân yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, làm rõ trách nhiệm của mình…

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, hoạt động chất vấn của Quốc hội thời gian qua đã góp phần tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra, có tác động thiết thực, thúc đẩy các cơ quan Nhà nước khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Những kết quả đó đã góp phần vào việc tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát của Quốc hội.

Theo ông Sơn, tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn “trúng” 4 nhóm vấn đề rất nổi cộm, bao quát. Các vấn đề này vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian tới, đồng thời cũng có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.

Ông Sơn đánh giá, các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn lần này đều là những vấn đề nóng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và Nhân dân trong thời gian vừa qua, mà nếu được giải quyết tốt sẽ không chỉ đem lại sự yên tâm cho cử tri, mà còn tạo điều kiện mới cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Đơn cử như vấn đề về nước như hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước thực sự đang động chạm tới mọi gia đình và cả tương lai của đất nước, trong khi đó, một số dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm khiến cử tri quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước, cũng như tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán. Hay liên quan đến Công thương là hoạt động thương mại điện tử và việc thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường…

Ở phiên chất vấn này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ quan tâm về những vấn đề liên quan đến công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; vấn đề giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; giải pháp phát triển thể thao trường học để tạo nguồn vững chắc cho thể thao thành tích cao; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng với đó là việc khai thác chất liệu văn hóa, lịch sử của đất nước để phát triển công nghiệp văn hóa; hiệu quả của chính sách miễn visa, tăng thời hạn lưu trú cho khách du lịch đã được Quốc hội thông qua; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; cũng như chính sách huy động nguồn lực xã hội trong phát triển ngành du lịch.

Hậu Lộc
Phiên bản di động