Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - giải pháp giúp Hà Nội thực hiện TOD Sửa đổi Luật Thủ đô để Hà Nội bứt phá, phát triển! |
Theo chương trình của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tiếp theo, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, hồi cuối tháng 3/2024, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV |
Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi và nội dung cơ bản của dự thảo luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.
Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), các cơ quan chính quyền thành phố Hà Nội và các bộ, cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo luật và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo bước đầu của Đảng đoàn Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024).
Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất nguyên tắc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quán triệt các quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội khi đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều).
Trong đó, về tổ chức chính quyền đô thị, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và UBND phường.
Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của cả nước.
Đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền thành phố, Thường trực Ủy ban Pháp luật và thành phố Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng giao HĐND thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.