Từ thành phố hòa bình - sáng tạo: Khát vọng vươn xa
Khẳng định sự bền vững danh hiệu “Thành phố hòa bình”
20 năm sau khi đón nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình, từ đó đến nay, Hà Nội vẫn là thành phố đầu tiên và duy nhất của khu vực được nhận danh hiệu này. Vị thế của Hà Nội giờ đây đã được nâng lên đáng kể. Thành phố trở thành địa điểm uy tín, một Thủ đô an toàn được lựa chọn làm nơi tổ chức một số sự kiện quốc tế quan trọng như Hội nghị Á - Âu (năm 2004); Hội nghị lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện thế giới (năm 2015); Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (năm 2017). Đặc biệt trong năm 2019, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai được tổ chức thành công tại Hà Nội đã khẳng định và tô thắm thêm hình ảnh một thành phố yêu hòa bình, năng động, thân thiện...
Với phương châm sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới. Đồng thời, Hà Nội đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, những nước lớn, đối tác quan trọng, đóng góp hiệu quả vào công tác đối ngoại quốc gia.
Đặc biệt, trong bất kỳ thời điểm nào, Hà Nội cũng cho thấy là điểm đến du lịch, đầu tư thân thiện, an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới. Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, kinh tế Hà Nội tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2017 tăng gấp 1,9 lần so với năm 2008. Trong khi đó, ở lĩnh vực môi trường đầu tư, kinh doanh, Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới.
Hà Nội đang khoác lên mình diện mạo mới với những đổi thay ngoạn mục |
Điều đặc biệt hơn cả, người dân cảm nhận rõ rệt được những thay đổi trong 20 năm qua. Trong lòng người dân Thủ đô luôn cảm nhận được sự tự hào, yêu mến mảnh đất nơi mình đang sống dù đó là người con gốc Hà Nội hay những người từ các tỉnh khác làm việc và sinh sống nơi đây.
Anh Lê Văn Hiệp (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Sống ở Hà Nội đã gần 20 năm, chúng tôi cảm nhận được Hà Nội đang lớn mạnh không ngừng. Hà Nội thực sự là nơi đáng sống, nơi mà chúng tôi thỏa sức sáng tạo, đam mê. Nơi các con tôi có môi trường tốt nhất để học hành, vui chơi, giải trí. Hà Nội luôn ở trong trái tim tôi”.
Tại hội thảo “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, 20 năm hội nhập và phát triển” do UBND thành phố Hà Nội tổ chức tháng 7 năm ngoái, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: “20 năm sau khi được trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội đã trở nên hướng ngoại hơn, trở thành một Thủ đô năng động, tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động giao lưu, hợp tác khu vực và quốc tế. Dù tự hào về quá khứ song thành phố vẫn nhìn về tương lai và minh chứng là việc đăng ký gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO…”.
Trong khi đó, bà Natalia Shafinskaya, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga đánh giá, Hà Nội đã tạo một môi trường sống yên bình, cởi mở và thực sự ươm mầm cho sự phát triển. Đó là một vinh dự và cũng là thách thức lớn để Hà Nội phấn đấu không ngừng xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” để cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Bước vào “Thành phố sáng tạo”: Cần những gì để vươn mình bền vững?
Vì những đổi thay ngoạn mục nơi đô thị theo ý tưởng phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, ngày 31/10/2019 Hà Nội lại được công nhận là thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Hà Nội chọn lĩnh vực thiết kế để tham gia “Thành phố sáng tạo” bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các thế mạnh của Hà Nội, thể hiện được đa dạng tiềm năng của Thủ đô trong phát huy sức sáng tạo. Sự kiện này được cho là dấu mốc quan trọng để Thủ đô ngàn năm văn hiến tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, đưa văn hóa vào trung tâm của chiến lược phát triển.
Từ khi Hà Nội được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, việc hình thành các không gian sáng tạo văn hóa ngày càng phát triển không ngừng. Bầu không khí sáng tạo nảy nở khắp thành phố, trên nhiều cung bậc, đặc biệt là trong giới trẻ. Giờ đây, Hà Nội trở thành thành phố có nhiều không gian sáng tạo nhất cả nước với hàng chục không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật lớn, có thể kể tới như: Không gian bích họa phố Phùng Hưng; Khu tập thể Phụ nữ Trung ương hay “Venice” Tây Hồ; Khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố sách 19/12... Hoạt động của các không gian sáng tạo rất sôi động, có nhiều sắc thái khác nhau và được sự hưởng ứng nhiệt tình của nghệ sĩ cũng như giới trẻ. Đúng như cam kết với UNESCO trong 4 năm tới, Hà Nội sẽ phải xây dựng 3 chương trình hành động mang tính quốc tế, 3 chương trình hành động của thành phố và quốc gia.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản - Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội chia sẻ: “Thành phố có bề dày nghìn năm văn hiến với kho tàng di sản văn hóa to lớn, đồng thời cũng là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước. Các yếu tố này trở thành lợi thế trong việc tiếp nhận và phổ biến tri thức, giáo dục, công nghệ mới. Hà Nội sẽ sử dụng các tài sản văn hóa này thành động lực phát triển các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; Tập trung vào việc sử dụng thiết kế sáng tạo để xây dựng Hà Nội thành một thành phố năng động, bền vững”.
Mặc dù đang trong giai đoạn nở rộ nhưng không gian sáng tạo tại Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ “sớm nở, tối tàn”; Phải xây dựng chính sách ra sao, các thiết chế văn hóa như thế nào để tạo điều kiện tối đa cho những sáng tạo ra đời là điều mà nhiều người quan tâm khi mà rất ít không gian sáng tạo tồn tại được đến 5 năm.
Monsoon là ví dụ điển hình. Đây là lễ hội âm nhạc đúng nghĩa đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì được đến giờ, nhà tổ chức phải tốn không biết bao công sức, vì thời gian đầu rất ít người thực sự hiểu thế nào là festival âm nhạc. Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, cách duy nhất để thuyết phục nhà đầu tư, cơ quan quản lý là làm nội dung tốt nhất có thể và đưa ra những cam kết về chất lượng, sự an toàn của sự kiện, trách nhiệm phục vụ cộng đồng. Nỗ lực này đã thuyết phục được UBND TP Hà Nội cho phép Monsoon tổ chức tại địa điểm Hoàng thành Thăng Long trong 4 năm tới. Tuy nhiên, Monsoon vẫn cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ để đi đường dài.
Thành phố Hà Nội yêu chuộng hòa bình, điểm đến có sức hút lớn |
GS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, công bố hôm 31/10 tại hội thảo chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam rằng: “Năm 2014, khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu công nghiệp văn hóa có mời chuyên gia UNESSO về đánh giá các vấn đề văn hóa Việt Nam, họ thấy bối rối. Cái gì chúng ta cũng có nhưng lại không chuyên nghiệp. Bộ phận nào biết việc của bộ phận đó, chưa biết liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hòa".
Vì thế, vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào phát huy được danh hiệu này trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, có lẽ, việc đầu tiên là phải tập trung nâng cao nhận thức về không gian sáng tạo đối với sự phát triển của Thủ đô cho các cấp, ngành cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức và người dân, để từ đó nâng cao vai trò của sáng tạo; Lồng ghép yếu tố này vào các chiến lược phát triển, chương trình hành động; Đặc biệt cần có những cơ chế, chính sách, quy định mang tính pháp lý cho các không gian sáng tạo, nhất là cho giới trẻ Thủ đô.
“Rõ ràng, câu chuyện sáng tạo ở đây rất phù hợp với giới trẻ khi họ là chủ nhân tương lai của đất nước. Yếu tố trẻ và sáng tạo luôn song hành với nhau. Khi có bầu không khí, hệ sinh thái sáng tạo, giới trẻ cũng trở nên năng động hơn, chính họ sẽ khiến thành phố này tốt đẹp hơn, đồng thời ngược lại thành phố cũng được hưởng lợi khi có một thế hệ trẻ sáng tạo", ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Đạt được danh hiệu vô cùng quan trọng nhưng việc tận dụng, khai thác, phát huy hiệu quả danh hiệu còn quan trọng hơn. Việc Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là vinh dự lớn nhưng cũng đặt ra thách thức để tận dụng cơ hội này, thương hiệu này mang lại những tác động tích cực với sự phát triển bền vững của thành phố, hướng tới tầm vóc Thủ đô sáng tạo ở khu vực và trên thế giới.
Sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và của cả xã hội nên chúng ta cần trân trọng và gìn giữ. Điều kiện và phát huy sự sáng tạo của giới trẻ là rất cần thiết nhưng để có một thành phố sáng tạo còn rất nhiều việc phải làm trong đó tạo ra môi trường sáng tạo cho giới trẻ phải bắt đầu ngay trong sự thay đổi nhận thức của xã hội, khuyến khích sự khác biệt, tôn trọng cái tôi, khuyến khích tư duy độc lập của mỗi người thậm chí cả ngay trong mỗi gia đình, mỗi nhà trường. Có như vậy mới có một thành phố Hà Nội sáng tạo, một xã hội sáng tạo được hình thành một cách tự nhiên và bền vững trong tương lai.