Tù mù nợ xấu, Viet Capital Bank được áp dụng tiêu chuẩn Basel II

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 2233/QĐ-NHNN về việc Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
Thêm một nhà băng đủ tiêu chuẩn Basel II Techcombank chính thức được áp dụng tiêu chuẩn Basel II

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định Viet Capital Bank áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 41) kể từ ngày 1/11/2019.

Viet Capital Bank có trách nhiệm thực hiện chuyển hoạt động chính thức từ hệ thống chính sang hệ thống dự phòng đối với hệ thống tính tỉ lệ an toàn vốn theo đúng kế hoạch báo cáo tại Công văn số 2132/2019/CV-QLRR ngày 30/8/2019 để đảm bảo hệ thống có thể hoạt động liên tục trong trường hợp có thảm họa.

tu mu no xau viet capital bank duoc ap dung tieu chuan basel ii
Viet Capital Bank.

Bên cạnh đó, Viet Capital Bank phải tuân thủ quy định tại Thông tư 41 và thực hiện chế độ báo cáo thống kê về tỷ lệ an toàn vốn đối với Thông tư 41 theo hướng dẫn của NHNN. Trong thời gian từ ngày 1/11/2019 đến hết ngày 31/12/2019, Viet Capital Bank đồng thời thực hiện chế độ báo cáo về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trước Viet Capital Bank đã có nhiều ngân hàng khác được Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng tiêu chuẩn Basel II bao gồm ACB, MB, TPBank, VPBank, Vietcombank, VIB và OCB, Techcombank...

Được biết, tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Basel II là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ít nhất là 8%. Và để làm được có 2 cách là giảm tổng tài sản rủi ro, cách này không phải là phương thức chủ đạo có thể giải quyết vấn đề của ngân hàng, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức 2 con số và tăng vốn tự có thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược, cho cổ đông hiện hữu hoặc chia cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu.

Đáng nói, trong bối cảnh Viet Capital Bank không công bố thông tin chi tiết về nợ xấu mà ngân hàng vẫn được áp dụng tiêu chuẩn Basel II quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng khiến các nhà đầu tư và nhà băng khác không khỏi bất ngờ.

Trong báo cáo tài chính quý 3/2019, Viet Capital Bank tiếp tục không công bố thuyết minh báo cáo tài chính, do đó không có thông tin về nợ xấu. Tuy nhiên, cũng có thể hình dung được phần nào nợ xấu của VietCapital Bank thời gian qua thông qua con số chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ngày một tăng.

Cụ thể, ở thời kỳ thịnh vượng nhất là năm 2011, chi phí dự phòng chỉ ở mức 11 tỷ đồng, chiếm chỉ 3% lợi nhuận thuần. Tuy nhiên, đến năm 2016, cũng là thời kỳ "đen tối" trong hoạt động kinh doanh của Viet Capital Bank, chi phí dự phòng chiếm đến 85%, mặc dù lợi nhuận thuần chỉ có 82 tỷ đồng. Và đến năm 2018, mặc dù lợi nhuận thuần đã tăng trưởng mạnh với 224 tỷ đồng, nhưng chi phí dự phòng vẫn tiếp tục tăng cao, chiếm 57% lợi nhuận thuần.

Tại báo cáo thường niên hàng năm, VietCapital Bank vẫn cập nhật tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng, nhưng không hề có bản chi tiết thuyết minh báo cáo tài chính. Tỷ lệ nợ xấu từ năm 2015 - 2018 đều thấp hơn 2% kể từ thời điểm 4,1% vào năm 2013.

Như vậy, việc không thuyết minh báo cáo tài chính nhiều năm đã đặt ra vấn đề lớn về sự minh bạch thông tin của Viet Capital Bank cho nhà đầu tư. Giới đầu tư không thể nào hình dung được bức tranh nợ xấu cũng như tình hình hoạt động tín dụng trong bối cảnh nhà băng này cũng đang rục rịch lên sàn chứng khoán.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, trong khi thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt xấp xỉ 690 tỷ đồng và gần 44 tỷ đồng, tương ứng tăng 18% và gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái thì hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm lãi 83%, chỉ còn hơn 19 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 6% lãi so với cùng kỳ, chỉ còn gần 44 tỷ đồng, khoản mục mua bán chứng khoán kinh doanh không ghi nhận. Chi phí hoạt động cũng tăng 27%, ghi nhận hơn 632 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Viet Capital Bank trong 9 tháng đầu năm giảm gần 33%, chỉ ghi nhận gần 194 tỷ đồng. Do tăng 24% trích lập dự phòng lên mức hơn 109 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế của VietCapital Bank giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn hơn 84 tỷ đồng và hơn 67 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản của Viet Capital Bank đạt hơn 48.019 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm, chủ yếu nhờ các khoản lãi, phí phải thu tăng 14% so với hồi đầu năm, lên gần 1.150 tỷ đồng, các khoản phải thu tăng 14% lên mức 1.875 tỷ đồng và cho vay khách hàng lên hơn 32.973 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm.

Thành Nhân
Phiên bản di động