Trường ngoài công lập mong đón học sinh trở lại trường

Học sinh nghỉ học đồng nghĩa với nguồn thu bấp bênh trong khi vẫn phải chi trả lương cho nhân viên, thuê mặt bằng trường, chi phí phát sinh khiến trường tư thục gặp khó…
Cận cảnh lớp học trực tuyến thời Corona Giáo viên có được hưởng lương trong thời gian nghỉ phòng chống dịch Corona? Muôn kiểu chế ảnh "nghỉ Tết" dài chưa từng có vì dịch virus Corona

Cần sự thấu hiểu, chia sẻ

Sau 2 tuần nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các trường học ở Hà Nội lại đón nhận thêm thông báo mới, học sinh tiếp tục nghỉ cho đến ngày 23/2. Vẫn chưa chắc chắn đó đã phải là thông báo cuối cùng chưa khi tối 14/2, Bộ GD&ĐT tiếp tục gửi công văn hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020 để phòng, chống dịch.

Trường ngoài công lập mong đón học sinh trở lại trường

Trên diễn đàn mạng và đặc biệt nhóm Hội chủ trường - Hiệu trưởng Mầm non, Hội giáo viên Mầm non tư thục… nhiều tâm tư từ phía nhà quản lý và giáo viên được chia sẻ. Phía chủ trường băn khoăn, chia sẻ khó khăn nếu nghỉ dài không có nguồn thu từ học phí thì trả lương ra sao cho giáo viên? Thu học phí hay miễn học phí cho học sinh? Trả đủ lương hay hỗ trợ một phần lương cơ bản cho giáo viên. Đối với người lao động, các giáo viên cũng than thở khi kỳ nghỉ kéo dài khiến đời sống gặp nhiều khó khăn…

Bà Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Bé Ngoan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi trường có cách tính giảm trừ học phí và lương cho giáo viên khác nhau trong những ngày nghỉ phòng chống dịch bệnh. Dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Thiệt hại, tổn thất là đến với toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành, trường nào. Trường tư thục như cũng có khó khăn nhất định. Đó là tiền thuê mặt bằng phải chi trả hàng tháng, lương nhân viên trong khi không thể thu học phí của học sinh”.

Theo bà Hoa, dù thời gian nghỉ khá dài nhưng nhà trường vẫn cân đối hỗ trợ lương cho giáo viên.

“Chủ trường đôi khi cũng phải chịu thiệt thòi một chút để đảm bảo được quyền lợi của người lao động. Giáo viên không có lương thì lấy gì để duy trì cuộc sống? Mặt khác, cho giáo viên hưởng lương một cách hợp lý cũng là cách giữ chân người lao động khi hoạt động bình thường trở lại. Với những giáo viên có trình độ, tâm huyết, yêu nghề mến trẻ càng cần có chế độ đãi ngộ tốt dù chủ trường phải chịu thiệt thòi ít nhiều…”, bà Hoa nêu quan điểm.

Một nỗi lo lắng lớn hơn của người đứng đầu cơ sở giáo dục tư thục là những biến động lớn sau khi học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài.

Bà Hoa tâm sự: “Sau thời gian nghỉ dài, chắc chắn các con sẽ mang tâm trạng rất uể oải. Đối với những cháu độ tuổi nhỏ sẽ vất vả cho phụ huynh và các cô hơn. Đối với học trò lớn hơn sẽ ảnh hưởng đến việc sắp xếp lại các bài học một cách hợp lý. Phụ huynh cũng ảnh hưởng khi không có người trông con thời gian dài. Tôi rất chia sẻ khó khăn này với phụ huynh. Mong chúng ta cùng thấu hiểu, sẻ chia để đẩy lùi dịch bệnh”.

Giữ tâm thế lạc quan

Trong tâm trạng buồn chán khi nghỉ dài, nhớ trường, nhớ trò và lo lắng về đồng lương để duy trì cuộc sống, giáo viên mầm non Nguyễn Thị Hằng (ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Quản lý nhà trường chưa nói tới việc trừ lương hay trả bao nhiêu phần trăm lương của tháng này. Tuy nhiên, nếu quản lý có thông báo về việc trả lương thấp hơn, chúng tôi cũng thông cảm, chia sẻ với nhà trường trong lúc khó khăn. Tôi đi làm được hơn 3 năm, lương sau trừ các khoản còn hơn 5 triệu. Nếu trường có trừ một nửa thì tôi cũng vui lòng. Chỉ mong sao bệnh dịch sớm được khống chế để học sinh trở lại trường lớp. Tính cả nghỉ Tết đã gần 3 tuần không được đến trường, tôi rất nhớ nghề, nhớ các con”.

Trong những ngày học sinh nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì các cán bộ, giáo viên trường Liên cấp Tuệ Đức - Thanh Hà vẫn cần mẫn tham gia đào tạo nội bộ, xây dựng chương trình, làm việc nhóm, “review” sách cùng nhau.

Theo đại diện nhà trường chia sẻ: “Khó khăn mà chúng tôi gặp phải đó là chương trình học hè, các sự kiện, hoạt động toàn trường bị thay đổi. Một số bộ phận không có việc làm như nhân viên bếp, tạp vụ, tổng vụ, nhân viên đưa đón học sinh. Nhà trường phải cân đối, sắp xếp công việc cho phù hợp”.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, tính mạng và sức khỏe của học sinh là điều quan trọng nhất. Vì vậy, cho học sinh nghỉ học giai đoạn này là hợp lý và không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch năm học.

“Chúng ta cứ lạc quan coi như đang nghỉ hè sớm. Đối với trường Liên cấp Tuệ Đức - Thanh Hà, để giữ năng lượng học tập cho học sinh, giáo viên vẫn duy trì việc giao nhiệm vụ cho học sinh học, ôn luyện ở nhà. Mục đích chính nằm ở sự kết nối, truyền cảm hứng cho việc học tập của học sinh. Trong thời gian nghỉ, nhà trường vẫn đảm bảo 100% lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên”, đại diện trường thông tin.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động