Trung - Ấn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về căng thẳng biên giới
EU lên kế hoạch chặn Trung Quốc, Mỹ thâm nhập ảnh hưởng kinh tế 4 nước trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2021-2022 |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 19/6 khẳng định, không có bất kỳ sự xâm nhập nào vào biên giới nước này từ phía quân đội Trung Quốc.
“Không có bất kỳ sự xâm nhập nào vào biên giới của chúng tôi, cũng như không có bất kỳ trạm kiểm soát nào của Ấn Độ bị phía Trung Quốc chiếm giữ. Những người lính dũng cảm của Ấn Độ đã tử vì đạo ở Ladakh nhưng họ cũng dạy cho những kẻ khiêu khích một bài học. Ấn Độ chưa bao giờ khuất phục trước bất kỳ áp lực bên ngoài nào”, Thủ tướng Modi khẳng định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Modi. Ảnh: CNN |
Tuyên bố này được dự báo sẽ giúp tình hình căng thẳng biên giới Trung Ấn hạ nhiệt phần nào. Tuy nhiên, 1 ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ vẫn cáo buộc lực lượng Trung Quốc tìm cách xây dựng các công sự tại vùng biên giới tranh chấp. Phía Ấn Độ khẳng định sẽ không cho phép bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi đường biên giới.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava ngày 20/6 cũng đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Thung lũng Galwan ở phía Đông Ladakh, khẳng định rằng ý định của phía Trung Quốc khi “gia tăng những tuyên bố cường điệu và vô căn cứ” hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh, quan điểm liên quan tới thung lũng Galwan rất rõ ràng về mặt lịch sử. Ấn Độ không chấp nhận các nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố các yêu sách mang tính phóng đại và không thể biện minh về đường Kiểm soát Thực tế (LAC).
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra sau khi các quan chức và học giả Trung Quốc tuyên bố nước này có bằng chứng để khẳng định thung Galwan tại vùng lãnh thổ liên bang Ladakh của Ấn Độ thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, thung lũng Galwan nằm trên vùng kiểm soát của Trung Quốc và Ấn Độ mới là bên hành động đơn phương khi cho đào đường, xây cầu và các công trình khác trong khu vực. Ông Triệu Lập Kiên cáo buộc quân đội Ấn Độ đã vượt qua đường Kiểm soát Thực tế (LAC) và tấn công sĩ quan cùng quân nhân Trung Quốc.
Các cáo buộc lẫn nhau của giới chức Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề biên giới đang làm gia tăng căng thẳng giữa 2 bên trước cuộc họp Ngoại trưởng 3 bên Nga – Trung - Ấn dự kiến diễn ra vào ngày 23/6 tới. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn kỳ vọng, với cuộc họp trực tuyến này, Nga có thể sẽ là 1 bên trung gian hòa giải cho những căng thẳng Trung - Ấn hiện nay.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cũng tuyên bố Mỹ sẵn sàng trợ giúp giải quyết cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Donald Trump khẳng định, đây là một tình huống vô cùng khó khăn và Mỹ đang đối thoại với cả Ấn Độ và Trung Quốc. Mỹ sẽ xem điều gì đang diễn ra và cố gắng giúp 2 quốc gia này.
Tuy nhiên, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc và chỉ trích Trung Quốc là bên làm leo thang căng thẳng biên giới với Ấn Độ, giống với những gì Bắc Kinh đang làm tại biển Đông với những quốc gia láng giềng khác.