Trò chuyện cùng doanh nhân tuổi Tý

Nhân dịp năm mới, những doanh nhân tuổi Tý đã dành cho bạn đọc Tuổi trẻ Thủ đô cuộc trao đổi về kinh nghiệm khởi nghiệp. Theo họ, khởi nghiệp không phải của những doanh nghiệp nhỏ mà của cả những người “khổng lồ”. Khởi nghiệp không có điểm dừng, tinh thần khởi nghiệp là mãi mãi…
Doanh nhân trẻ phải có khát vọng đưa đất nước vươn lên hùng cường Chủ tịch Quốc hội cổ vũ ý chí vươn ra biển lớn của doanh nhân Thái Hương Đám cưới Bảo Thy và chồng doanh nhân sẽ không có truyền thông tác nghiệp Những tỷ phú USD của Việt Nam Chuyện ít biết về 2 nữ tỷ phú Việt là doanh nhân quyền lực châu Á

Đào tạo nhân lực y tế theo chuẩn 4.0

Đã 14 năm thành lập, trường Cao đẳng Công nghệ Y Dược Việt Nam được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngành Y dược trình độ cao đẳng với hình thức xét tuyển hồ sơ THPT.

tro chuyen cung doanh nhan tuoi ty
Năm 2019, trường Cao đẳng Công nghệ Y dược Việt Nam ký kết hợp tác với nhiều đối tác quan trọng

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Tuấn cũng là một doanh nhân tuổi Tý. Ông sinh năm 1984 nhưng đã có 9 năm gắn bó cùng sự phát triển của trường. Với tiêu chí giảng dạy “học đi đôi với hành”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Trường có ưu điểm về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên kinh nghiệm và tâm huyết, chương trình đào tạo đạt chuẩn. Học tập tại trường, sinh viên được cân bằng giữa lý thuyết và thực hành rèn luyện nghề, qua đó có thể bắt tay vào thực tế công việc sau khi tốt nghiệp. Với mô hình đào tạo liên kết viện - trường, sinh viên kết thúc khóa học sẽ có cơ hội việc làm ngay do được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị khám chữa bệnh, doanh nghiệp”.

Để giúp sinh viên có môi trường thực hành, học tập theo chuẩn quốc tế, nhà trường đã ký kết hợp tác với các bệnh viện và hệ thống hiệu thuốc lớn như: Đại học Thành Đông, Công ty TNHH GP Global Partner Việt Nam, Chi nhánh Công ty Cổ phần XKLĐ Thương mại và Du lịch TTLC và Liên hiệp Spa thẩm mỹ Việt Nam, Công ty Cổ phần IIG Việt Nam... Qua những chương trình đó, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt 97%, nhiều em đã đi làm trong ngành Y dược từ khi còn là sinh viên.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt chuẩn 4.0, nhà trường luôn chú trọng đến nâng cao năng lực cho sinh viên trong thời kỳ hội nhập như: Kỹ năng công nghệ thông tin, làm việc trên máy tính; kỹ năng ngoại ngữ để hội nhập thế giới. Bên cạnh đó, thông qua những hoạt động thể thao, ngoại khóa, teamwork, hội thảo, sinh viên được phát huy tinh thần khởi nghiệp, tư duy tích cực, phát triển sự nghiệp sau khi ra trường.

Ước mơ vươn ra thị trường quốc tế

Nữ doanh nhân Phạm Hồng Vân (sinh năm 1984) nổi tiếng với sản phẩm dinh dưỡng giò, ruốc làm từ nấm dành cho người ăn chay và mắc bệnh tim mạch. Từ một món ăn trong căn bếp nhỏ của gia đình, Phạm Hồng Vân đã không ngừng cải tiến, hoàn thiện sản phẩm và sáng lập nên thương hiệu Nấm Tươi Cười.

tro chuyen cung doanh nhan tuoi ty
Phạm Hồng Vân, CEO Công ty Cổ phần Emmay

Năm 2013, lần đầu Hồng Vân đem thương hiệu ruốc nấm Cô Hòa 34 Bát Sứ đến một cuộc thi khởi nghiệp nhỏ tại Hà Nội và bất ngờ lọt vào mắt xanh của Tổ chức Thriive (Mỹ). Cô nhận số tiền đầu tư 10.000 USD.Ý tưởng làm ruốc nấm để bán đến với Vân trong những hoàn cảnh khó khăn. Cô nhớ lại: “Vốn đầu tư ít, công việc không nặng nhọc, có thể làm ngay tại nhà… nên mẹ con tôi cùng bắt tay làm với khao khát giúp gia đình thoát nghèo. Ruốc nấm Cô Hòa Bát Sứ ra đời từ đó”.“Qua tìm hiểu, tôi biết, nấm được mệnh danh là “vua” của các loại rau vì hàm lượng đạm cao gần bằng đạm động vật và có công dụng dược liệu với nhiều loại bệnh: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu…”, Phạm Hồng Vân chia sẻ về lý do mình bén duyên với ruốc nấm.

Sau cuộc thi, ruốc nấm Cô Hòa 34 Bát Sứ chính thức đổi tên thành Nấm Tươi Cười. Sau đó, Hồng Vân bắt tay vào hoàn thiện quy trình nghiên cứu sản phẩm và công nghệ chế biến. Công ty Cổ phần DHA ra đời từ đó (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Emmay) và Hồng Vân đảm nhận vị trí CEO đến nay.

Với nhiều nỗ lực, năm 2016, chị Hồng Vân xây dựng được nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Gia Lâm (Hà Nội). Nhà máy có công suất 12.000 sản phẩm mỗi tháng, cung cấp 5 loại ruốc nấm khác nhau và giò nấm. Năm 2017, dự án Nấm Tươi Cười giành giải quán quân cuộc thi Start-up Việt Nam và mở ra nhiều bước ngoặt lớn.

Đi lên từ hai bàn tay trắng, nữ CEO tuổi Tý cho rằng, con đường kinh doanh không bao giờ bằng phẳng mà là một biểu đồ hình sin đầy thăng trầm. Với chị, quan trọng nhất khi khởi nghiệp là dám ước mơ và hành động để hiện thực hóa nó.

Khởi nghiệp không có điểm dừng

Khác với Hồng Vân, chị Nguyễn Thanh Vân, Tổng Giám đốc thương hiệu Sherlyn Diamond sinh ra trong gia đình công chức ở tỉnh Quảng Bình. Từ nhỏ đã đam mê kinh doanh nên sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế và thạc sĩ tài chính Greenwich (London, Anh), chị Nguyễn Thanh Vân trở về và chọn Hà Nội để khởi nghiệp.

tro chuyen cung doanh nhan tuoi ty

Chị Nguyễn Thanh Vân, Tổng Giám đốc thương hiệu Sherlyn Diamond

Khi đạt được thành công ở nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm… chị quyết định lấn sân sang kinh doanh ở lĩnh vực trang sức. Năm 2017, thương hiệu Sherlyn Diamond chính thức “trình làng” và tên “quý bà” kim cương cũng bắt đầu từ đó.

Nói về sự bén duyên với kim cương, “quý bà” Thanh Vân nói: “Năm 2016, tôi được mời làm giám đốc kinh doanh cho một thương hiệu kim cương nhập khẩu Mỹ. Quan sát thị trường tôi nhận thấy, bên cạnh xu thế làm đẹp thì dòng sản phẩm trang sức cao cấp nói chung và kim cương nói riêng đang được nhiều người đặc biệt chú ý. Trong khi đó, thị trường kim cương ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển và có nhiều tiềm năng. Do vậy, tôi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này và thương hiệu Sherlyn Diamond ra đời từ đó”.

Được biết, trước khi Sherlyn Diamond ra đời, “quý bà” Thanh Vân đã có quan hệ xã hội và được trải nghiệm thực tế, học hỏi về kim cương ở nhiều quốc gia như: Mỹ, Bỉ, Ấn Độ, Hong Kong (Trung Quốc)… Do vậy, chị tự tin tư vấn và lựa chọn dòng sản phẩm chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Ngoài ra, để có giá tốt nhất cho khách hàng, chị Vân đã liên kết với các công ty lớn nhất trên thế giới về lĩnh vực kim cương. Đây là lý do, kim cương của Sherlyn Diamond luôn làm “say đắm” khách Việt và “hút hồn” khách Tây.

“Kim cương không chỉ là sản phẩm giúp chủ nhân đeo lên người để khẳng định được vị trí, đẳng cấp của mình trong xã hội mà còn là một trong những kênh tích lũy tài sản an toàn và hiệu quả”, chị Vân chia sẻ.

Nhìn vào thành quả ngày hôm nay, ít ai nghĩ rằng, trên con đường khởi nghiệp, “quý bà” Thanh Vân đã trải qua nhiều gian nan, thử thách. Chị đã từng thất bại. Tuy nhiên mỗi lần như vậy, chị lại nghĩ: “Vấp ngã ở đâu tôi đứng lên ở đó. Không chạm vào gai thì làm sao hái được hoa hồng”. Với kinh doanh là vậy, còn cuộc sống chị lại quan niệm: “Cho đi để nhận lại nhiều hơn”.

Kinh doanh kim cương không giống như các lĩnh vực khác, nó đòi hỏi lượng vốn lớn, phải làm hài lòng những khách hàng siêu VIP và cạnh tranh khốc liệt bởi các thương hiệu khác. Để vượt qua tất cả cửa ải đó, “quý bà” Thanh Vân và đội ngũ nhân viên phải làm việc chăm chỉ gấp ba, bốn lần bình thường. Riêng bản thân chị cũng đã dành rất nhiều thời gian để học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia kim cương trên thế giới và Viện Ngọc học Hoa Kỳ.

“Mỗi một sản phẩm mang hồn của tôi trong đó. Vậy nên, tôi muốn truyền đạt kinh nghiệm, cũng như niềm đam mê, yêu thích sản phẩm đến với đội ngũ nhân viên. Đồng thời, tôi cũng đặt ra yêu cầu với nhân viên là kinh doanh phải am tường và thấu hiểu chi tiết từng dòng sản phẩm, tâm lý, nhu cầu khách hàng để có thể tư vấn, bán hàng một cách chuyên nghiệp và tốt nhất”, chị Vân chia sẻ.

Chia tay năm cũ 2019 đón năm mới 2020, “quý bà” Thanh Vân lạc quan bỏ qua những niệm dân gian: “Năm tuổi khó làm ăn” hay “năm tuổi vất vả”. Với chị, con đường kinh doanh không trải hoa hồng. Hãy mỉm cười khi khó khăn gõ cửa, vì đó là động lực giúp doanh nhân sáng tạo. Với chị, khởi nghiệp không có điểm dừng, tinh thần khởi nghiệp là mãi mãi.

Diễm Quỳnh - Phương Thu/Tuổi trẻ Thủ đô

Bình luận

Phiên bản di động