Triển lãm mỹ thuật “Xuân”
Khai mạc triển lãm mỹ thuật về lực lượng vũ trang Thủ khoa trường Mỹ thuật với những sản phẩm ưu Việt Mang vải thổ cẩm đi khắp thế giới |
Họ đến với nhau rất tự nhiên bởi có chung một tình yêu với màu nước. Dẫu cho khoảng cách thế hệ và con đường đi là khác nhau nhưng tất cả đều cùng mục đích là mang chất liệu “trẻ” màu nước tới với đông đảo những người yêu nghệ thuật. Đó là lý do triển lãm Xuân ra đời.
Tranh hoa đào của KTS Phạm Thanh Sơn |
Kiến trúc sư Phạm Thanh Sơn là anh cả trong nhóm, người có nhiều kinh nghiệm sống nhất. Anh luôn là người hỗ trợ về mặt tinh thần cho anh em. Với bút pháp mạnh mẽ, dứt khoát và màu sắc trong trẻo, những bức tranh của Phạm Thanh Sơn đều đầy đủ cả nội lực và tình cảm trong đó. Đôi khi những phần sót sáng trong tranh cũng mang nhiều ý tứ, tưởng ngẫu nhiên nhưng lại mang tới hiệu ứng rất đặc biệt về ánh sáng. Cùng với đó, những gam màu tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại đầy tinh tế, luôn làm toát lên vẻ trang nhã và rất sang.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Lâm lại có sự ấm áp rất riêng và đượm tình. Dù cho có là các vệt nắng vắt ngang qua khung cửa, hay những đồ vật cũ kĩ cũng đều trở nên đẹp đẽ tới lạ kì bởi cái tình rất tròn trịa mà khó ai làm tốt hơn. Trong mỗi bức tranh đều có những điểm thắt lại và những nơi tưởng chừng như sự buông lơi có thể làm cho con người ta xiêu lòng. Đó là một tổng thể kết hợp tài tình giữa kĩ thuật điêu luyện và sự từng trải của hoạ sĩ Nguyễn Lâm.
Tranh vẽ nhà phố của họa sĩ Hoàng Quốc Tuấn |
Cũng là màu nước, nhưng sự lựa chọn vẽ trên lụa của hoạ sĩ Hoàng Quốc Tuấn lại mang đến một làn gió khác lạ. Lấy con người làm chủ đạo, anh luôn nắm bắt tài tình từng chuyển động trên cơ thể nhân vật dù là nhỏ nhất, thông qua sự chau chuốt của mỗi nét vẽ. Từ những cảm xúc vô cùng mộc mạc về trẻ em, trong tranh của anh luôn là những màu sắc nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, như đưa người xem ngược trở về với tuổi thơ. Cách sắp đặt trong tranh tưởng chừng như một sự ngẫu nhiên nhưng lại thể hiện sự tính toán đầy chủ động của anh.
Cùng lấy chủ đề con người, nhưng hoạ sĩ Lương Bình lại tập trung khai thác hình ảnh vùng Tây Bắc. Những bức tranh của Lương Bình luôn đi sâu vào từng chi tiết của nhân vật. Dù với bối cảnh rõ ràng, hay bối cảnh mơ hồ thì những gam màu mà anh sử dụng luôn toát lên cái chất và hơi thở của bà con người dân tộc. Người xem luôn thấy sự hoà trộn hoàn hảo giữa kĩ thuật tả thực và cảm xúc của mỗi nhân vật trong tranh.
Tranh người phụ nữ vùng cao của họa sĩ Nguyễn Cường |
Những tác phẩm mà hoạ sĩ Nguyễn Cường mang tới triển lãm xoay quanh chủ đề về Đà Lạt. Chính tính cách của một kiến trúc sư đã mang đến cho hoạ sĩ một lối thể hiện hết sức chỉn chu nhưng cũng đầy mộng mơ của tuổi trẻ. Từng nét bút và màu sắc được đưa vào trong tranh với một sự vừa vặn và làm chủ tổng thể vô cùng tốt. Thông qua lăng kính của hoạ sĩ, mọi thứ đều được tô điểm để đạt được sự “dễ thương”. Ta rất dễ lạc vào những bức tranh như cổ tích của Nguyễn Cường bởi vẻ mê đắm và long lanh luôn toát ra thông qua từng chủ đề dù chính hay phụ.
Em út của nhóm, họa sĩ Thẩm Trọng Hiếu là sự đan xen giữa sự sống động và tĩnh lặng với đầy đủ cảm xúc trong mỗi bức tranh. Từ những góc phố ngập tràn hoa, hay đầu cầu Long Biên tấp nập người qua lại, vẫn thấy trong đó cảm giác được lắng lại, bình yên. Kỹ thuật màu nước nhuần nhuyễn giữa ướt và khô trong tranh của họa sĩ Thẩm Trọng Hiếu được tính toán cẩn thận qua từng lớp màu, để từ đó tạo ra sự rung động của hình ảnh vô cùng tinh tế.
Sáu họa sĩ - sáu xu hướng nghệ thuật khác nhau với những mạch cảm xúc khác nhau lại cùng góp mặt trong một triển lãm mang tên “Xuân”, để mang tới cho người xem những cái nhìn mới mẻ về một chất liệu “trẻ”.