Trẻ em cần được quan tâm chăm sóc trong mùa dịch

Nhiều trẻ em phải bước chân vào thị trường lao động hoặc gián đoạn việc học tập, gây ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần đáng báo động.
Để mọi trẻ em được nghỉ hè vui và an toàn Kích thích sự phát triển của trẻ trước tình hình dịch Covid-19

Báo động tình trạng lao động trẻ em

Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), con số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng thêm 8,4 triệu trong vòng bốn năm qua, lên 160 triệu. Bên cạnh đó, hàng triệu trẻ em khác đang đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do tác động của đại dịch Covid-19.

Con số này đã đánh dấu sự đảo ngược đáng kể của xu hướng giảm trong giai đoạn 2000 - 2016 (số lượng lao động trẻ em đã giảm 94 triệu).

Báo cáo đã chỉ ra mức tăng đáng kể về số lượng lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11, dù đối tượng này chỉ chiếm hơn một nửa tổng số trẻ em toàn cầu. Số trẻ em trong độ tuổi 5 - 17 phải làm các công việc nguy hại (được định nghĩa là những công việc có thể gây tổn hại tới sức khỏe, sự an toàn và tinh thần của trẻ) đã tăng 6,5 triệu trẻ kể từ năm 2016, lên 79 triệu trẻ.

Lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng bốn năm qua (Ảnh: UNICEF)
Lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng bốn năm qua (Ảnh: UNICEF)

Báo cáo cũng cảnh báo rằng, ước tính đến cuối năm 2022, thế giới sẽ có thêm 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch. Những cú sốc về kinh tế và trường học bị đóng cửa do đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc những lao động trẻ em có thể phải làm việc trong thời gian dài hơn hay với điều kiện làm việc tồi tệ hơn.

Ngoài ra, rất nhiều em khác có thể sẽ bị buộc làm việc trong những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất khi các gia đình thuộc diện dễ bị tổn thương phải đối mặt với tình trạng mất việc làm và thu nhập.

Lao động trẻ em khiến trẻ em có nguy cơ bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần. Lao động trẻ em tước đi cơ hội học tập, hạn chế quyền và những cơ hội tương lai của trẻ và tạo ra vòng luẩn quẩn giữa nghèo đói và lao động trẻ em từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sức khỏe tâm thần trẻ em trong đại dịch

Đại dịch Covid-19 được coi là sang chấn hàng loạt mới, có thể tác động đến sức khỏe tâm thần của trẻ trong hiện tại và tương lai sau này. Sang chấn này có khả năng cao làm trầm trọng thêm những bệnh tâm thần hiện có và góp phần gây ra các bệnh mới liên quan đến căng thẳng.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần, không chỉ đối với người già, người trưởng thành mà đối với trẻ em và vị thành niên nguy cơ rối loạn tâm thần cũng rất cao.

Những trẻ em phải cách ly, không được gần bố mẹ; Những người trong gia đình mắc bệnh; Sự kỳ thị của mọi người đối với những gia đình có người mắc hay bị mất mát người thân vì dịch bệnh… đều gây ra những chấn thương tâm lý rất nghiêm trọng.

Trẻ em cũng cần được quan tâm đến sức khỏe tâm thần trong thời kỳ đại dịch (Ảnh: AP)
Trẻ em cũng cần được quan tâm đến sức khỏe tâm thần trong thời kỳ đại dịch (Ảnh: AP)

Việc không được đến trường, phải ở nhà trong một thời gian dài do phong tỏa vì dịch Covid-19 cũng khiến trẻ em có những hành vi tiêu cực. Kết quả một khảo sát của Trung tâm Sức khỏe và Phát triển trẻ em tại Nhật Bản hồi đầu năm nay cho thấy, khoảng 30% trong 344 học sinh cấp 3 tham gia khảo sát có triệu chứng trầm cảm từ vừa đến nặng liên quan đến đại dịch Covid-19.

Trước đó, khảo sát được thực hiện trực tuyến hồi tháng 11 và 12 năm ngoái trên 715 học sinh từ lớp 4 trở lên, khi các ca Covid-19 tại Nhật Bản tăng mạnh. Các triệu chứng trầm cảm cũng xuất hiện ở 15% của nhóm 261 trẻ cấp 1 và 24% của 110 học sinh cấp 2 tham gia khảo sát.

Số vụ tự tử ở trẻ em tăng cao

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, số vụ tự tử ở trẻ em và trẻ vị thành niên ở nước này đạt mức kỷ lục vào năm 2020.

Bệnh viện nhi Robert Debré ở Paris (Pháp) đã ghi nhận số trẻ em và thanh thiếu niên cần điều trị các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần tăng gấp đôi kể từ tháng 9/2020.

Theo số liệu của Trung tâm Trung Tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, từ đầu tháng 5/2020, số vụ hỗ trợ khẩn cấp liên quan hành vi tự tử ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 - 17 bắt đầu tăng, đặc biệt là nhóm trẻ em gái. Đáng chú ý, trong thời gian từ ngày 26/7 - 22/8/2020, trung bình số vụ hỗ trợ khẩn cấp cho các trẻ em gái tuổi vị thành niên cao hơn 26% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ ngày 21/2 - 20/3/2021, tỷ lệ trên vọt lên mức đáng báo động, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020. Ở nhóm các trẻ em trai, tỷ lệ tăng là khoảng 4%.

Ngoài việc cố gắng tự tử, các bác sĩ tâm thần nhi khoa cho biết họ cũng gặp những đứa trẻ bị ám ảnh sợ hãi, cảm giác thèm ăn và rối loạn ăn uống liên quan đến dịch Covid-19. Nhiều trẻ ám ảnh về bệnh nhiễm trùng đến nỗi rửa tay quá mức và bôi gel khử trùng lên khắp cơ thể và sợ bị bệnh do nhiễm virus từ thức ăn.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng ngày càng trở nên phổ biến như trẻ em dễ gặp các cơn hoảng loạn, tim đập nhanh và các triệu chứng về tinh thần khác. Một số khác thì bị nghiện các thiết bị di động và màn hình máy tính. Những vật dụng đó trở thành người trông nom, giáo viên và giải trí của chúng trong thời gian phong tỏa và đóng cửa trường học.

Sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe (theo WHO, năm 2001). Trong đó, sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân.

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 tác động sức khỏe tâm thần trẻ em đáng báo động
Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động