Trẻ dễ mắc ho gà khi chưa tiêm vaccine

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tuần qua thành phố ghi nhận 16 ca mắc ho gà, tăng 14 ca so với tuần trước. Các ca bệnh chủ yếu là ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine.
Vĩnh Phúc: Tăng cường phòng, chống bệnh ho gà Hà Nội: Ghi nhận hơn 30 ca mắc ho gà Giới thiệu SGK lớp 9 cho gần 25.000 giáo viên Thủ đô

Bệnh nhân phân bố tại 14 quận, huyện gồm: Hoài Đức, Hoàng Mai, Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Xuân, Ứng Hòa. Cộng dồn năm 2024, Hà Nội ghi nhận 98 ca mắc tại 25 quận, huyện, thị xã, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.

CDC Hà Nội đánh giá, các ca mắc ho gà ghi nhận từ đầu năm đến nay đều là ca bệnh tản phát, không phát sinh ổ dịch, thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện rải rác ca bệnh, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Bác sĩ Bùi Thu Phương, khoa Nhi (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi các triệu chứng như ho, hắt hơi, xổ mũi, sốt nhẹ, tăng nặng sau từ 1- 2 tuần. Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể rất nặng với triệu chứng suy hô hấp, thậm chí gây tử vong.

Cho tới nay, bệnh vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Các ca bệnh nặng và tử vong hay gặp ở trẻ độ tuổi bú mẹ, tỉ lệ tử vong tăng cao hơn ở các nước đang phát triển.

Trẻ dễ mắc ho gà khi chưa tiêm vaccine
Ảnh minh họa

Ho gà lây lan nhanh hơn virus cúm, 1 người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường có diễn biến nặng.

Ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cụ thể, đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.

Cũng theo bác sĩ Bùi Thu Phương, giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Biểu hiện điển hình như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, dần chuyển thành ho cơn. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, giai đoạn này thường không có.

Giai đoạn toàn phát (giai đoạn ho cơn): Thường kéo dài từ 1-2 tuần, với trẻ < 3 tháng tuổi, thời kỳ này kéo dài hơn, xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ cả ngày và đêm, ho cả khi trẻ đang chơi, đang ăn hay khi đang quấy khóc, cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít và khạc đờm.

Thời kỳ lui bệnh và hồi phục: kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Tình trạng toàn thân tốt lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường. Tuy nhiên, ở một số trẻ có thể có những cơn ho kéo dài 1-2 tháng. Đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời gian ho có thể kéo dài cả năm sau đó.

Bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị càng sớm càng tốt.

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn là tiêm vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

PV
Phiên bản di động