Vĩnh Phúc: Tăng cường phòng, chống bệnh ho gà

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn ho gà.
Vĩnh Phúc: Một bệnh nhân 77 tuổi có 175 viên sỏi trong túi mật Huyện Yên Lạc: Công bố xã Yên Phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao Vĩnh Phúc: Sôi nổi Ngày hội đọc sách tại huyện Yên Lạc

Đầu tháng 2/2024, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc ghi nhận bé L.M.K (4 tháng tuổi) dương tính với vi khuẩn ho gà. Qua thông tin từ người nhà được biết, bé K chưa được tiêm liều vắc xin nào, bé bị ho từ ngày 28/1, xung quanh khu vực nhà không có trường hợp nào mắc ho gà.

Sau 10 ngày điều trị tại nhà không đỡ, bé K nhập viện trong tình trạng ho kéo dài thành cơn. Bệnh nhi được điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế và đã được xuất viện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tính đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn ho gà. Trong đó, 1 trường hợp mắc tại tỉnh, 1 trường hợp mắc và điều trị tại thành phố Hà Nội. Cả 2 trường hợp đều đã được điều trị khỏi.

Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh ho gà, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát và xử lý ổ dịch; báo cáo tình hình dịch bệnh truyễn nhiễm theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

"Bệnh ho gà có thể dự phòng bằng vắc xin. Trong nhiều năm qua, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Vĩnh Phúc luôn đạt từ 95-98%, do vậy, nguy cơ bùng phát thành dịch lớn là rất thấp.

Tuy nhiên, việc gián đoạn vắc xin có thành phần phòng bệnh ho gà trong năm 2023 và đầu năm 2024 đã gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, dẫn đến xuất hiện những ca bệnh lẻ tẻ trong cộng đồng.

Việc sử dụng vắc xin mang lại hiệu quả phòng, chống dịch cao, do vậy, trong thời gian gián đoạn các loại vắc xin thuộc chương trình TCMR, người dân cần kết hợp giữa tiêm chủng dịch vụ và TCMR để đảm bảo miễn dịch cộng đồng" - ông Trường nói.

Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết tháng 2/2024, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin đạt 87,8% so với kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân là do tình hình cung ứng một số loại vắc xin trong chương trình TCMR chưa đảm bảo yêu cầu, trong đó có vắc xin DPT-VGB-Hib3 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, làm gián đoạn công tác tiêm chủng, dẫn đến khoảng trống miễn dịch trong nhóm trẻ đến độ tuổi tiêm chủng mà chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin, Sở Y tế đã ban hành văn bản về việc tổ chức tiêm chủng thường xuyên, tiêm bù mũi các loại vắc xin trong chương trình TCMR; tăng cường công tác quản lý tiêm chủng, chất lượng vắc xin, sinh phẩm y tế và trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro (IDV).

Trong đó, chú trọng duy trì tổ chức tiêm chủng thường xuyên các loại vắc xin trong chương trình TCMR đã được cung ứng từ tháng 1/2024 cho đối tượng thuộc chương trình đảm bảo an toàn, hiệu quả; tiêm bù mũi cho trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ các vắc xin trong chương trình TCMR theo lịch tiêm chủng, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vắc xin; đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin để người dân chủ động phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý.

Báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm và các ổ dịch qua hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế, chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin.

Lê Sơn
Phiên bản di động