Tràn lan xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp
Hà Nội: Hàng loạt thanh tra xây dựng bị xử lý do để vi phạm TTXD Hà Nội: Kỷ luật gần 100 nhân sự liên quan tới sai phạm xây dựng |
Tuổi trẻ và Pháp luật nhận được phản ánh của người dân tại khu vực cổng KĐT Kim Chung - Di Trạch và thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) trong thời gian gần đây, việc xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp đang có chiều hướng "nở rộ" nhưng không bị xử lý, ngăn chặn.
Tiếp nhận phản ánh, nhóm PV đã có mặt tại khu vực này và ghi nhận ngay cổng KĐT Kim Chung - Di Trạch có khoảng hơn chục công trình xây dựng từ 3 đến 4 tầng được xây dựng kiên cố và đã đưa vào sử dụng.
Loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp của anh em họ hàng Phó chủ tịch xã Kim Chung. |
Một người dân sinh sống tại đây cho biết, không hiểu vì sao chính quyền địa phương lại buông lỏng quản lý đến như vậy, khu vực đất này là đất nông nghiệp xen kẹt giữa khu dân cư và con đường vào khu đô thị đã tồn tại từ lâu nhưng đang bị sử dụng không đúng mục đích.
"Căn nhà màu xanh 4 tầng có biển BAKERY bán bánh ngọt kia là của ông Phó chủ tịch xã Kim Chung hiện đang còn đương nhiệm, các căn nhà sát hai bên là của anh em họ hàng nhà ông ấy cũng đã xây dựng trái phép nhiều năm nay nhưng không hề bị xử lý. Chúng tôi không hiểu vì sao Phó chủ tịch xã lại được xây dựng sai phép(?), liệu các lãnh đạo huyện Hoài Đức có biết hay cố tình lờ đi?"
Một công trình tại khu 7 Trạm Trôi xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp. |
Còn tại thị trấn Trạm Trôi cũng liên tục xuất hiện hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đặc biệt, tại Khu 7 đã mọc lên hàng loạt công trình, nhà ở kiên cố, xây dựng trái phép…
Một số người dân ở đây cho biết: Dù tình trạng này đã xảy ra trong thời gian khá dài, nhưng đến nay chính quyền thị trấn Trạm Trôi vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, khiến chúng tôi vô cùng bức xúc.
Tìm hiểu kỹ, nhóm PV phát hiện bên cạnh những công trình tồn tại cũ dù chưa được xử lý còn có hàng loạt công trình khác đang được ồ ạt xây dựng móng, tường bao, đổ trần nhằm gấp rút hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Chính quyền buông lỏng quản lý để các công trình vô tư xây dựng. |
Trao đổi với PV Tuổi trẻ Pháp luật về việc xây dựng trái phép trên khu 7 thị trấn Trạm Trôi, cán bộ địa chính UBND thị trấn Trạm Trôi thừa nhận, những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp như phản ánh của người dân là đúng, có những công trình đã tồn tại từ lâu và có nhiều công trình xây dựng mới, toàn bộ các công trình đó thị trấn đã lập biên bản xử phạt và có báo cáo đến UBND huyện Hoài Đức để xử lý.
Buông lỏng để công trình đi vào sử dụng đã lâu. |
Còn trường hợp xây dựng trái phép theo người dân phản ánh tại khu vực cổng KĐT Kim Chung - Di Trạch, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Cương - Chủ tịch UBND xã Kim Chung, ông Cương cho biết: "Tại khu vực đó là đất xen kẹt, người dân đã sử dụng và làm nhà cấp 4, có vài nhà sử dụng khoảng mấy chục mét từ những năm 1996. Khi khu vực đó bị thu hồi làm khu đô thị Kim Chung - Di Trạch thì "chòi" ra, đến nay vẫn chưa được chuyển đổi. Năm 2015, các căn nhà cấp 4 ở đấy đã bị chủ nhà dỡ ra và xây lại".
Dư luận đặt ra câu hỏi, đến lãnh đạo còn xây dựng chiếm đất nông nghiệp nhưng không bị xử lý thì người dân xây dựng có bị xử lý?. |
"Về phản ánh của người dân như vậy là đúng nhưng việc các công trình xây dựng đó xuất hiện từ lâu, cũng đã được quy hoạch làm đất thổ cư, có đóng thuế", ông Cương cho biết thêm.
Thắc mắc về việc một số người dân có phản ánh về căn nhà xây trái phép của vị Phó chủ tịch UBND xã Kim Chung thì ông Cương thừa nhận đấy là nhà ông Hòa - Phó chủ tịch UBND xã và các anh em họ hàng của vị này.
"Gia đình nhà anh Hòa có thửa đất nông nghiệp rộng khoảng 150m2 chuyển đổi, bản thân gia đình anh Hòa có vài anh em ruột, ở thời điểm năm 1996 có công trình cấp 4 trên đó rồi, tới năm 2015 mới tách ra và xây dựng như vậy".
Để làm rõ hơn, PV đề nghị ông Cương cung cấp một số hồ sơ liên quan như: Báo cáo về hiện trạng công trình, biên lai thu tiền thuế, trích lục bản đồ... nhưng ông Cương cho biết cán bộ chuyên môn đi vắng nên sẽ cung cấp sau.
Mặc dù thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, nhưng nếu các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương không có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý đất đai nói chung; kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm lĩnh vực đất đai nói riêng; hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thì tình trạng "vi phạm nhiều, xử lý chẳng được bao nhiêu" sẽ tiếp tục kéo dài và gây hệ lụy khôn lường.