TP Hải Dương yêu cầu người dân tại 10 phường nội thành chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết
Theo đó, 10 phường nội thành tại TP Hải Dương bao gồm: Trần Phú, Lê Thanh Nghị, Hải Tân, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Thanh Bình, Tân Bình, Ngọc Châu áp dụng bổ sung các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao hơn.
Cụ thể, người dân chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác và các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…).
Cá nhân khi ra đường qua địa bàn 10 phường đến cơ quan, đơn vị, công sở, doanh nghiệp, phân xưởng làm việc phải mang theo thẻ công nhân, công chức, viên chức, lao động, thẻ đi chợ với người đi chợ hoặc các giấy tờ để phục vụ công tác kiểm tra.
Người dân làm nghề tự do (thợ xây, thợ mộc, thợ cơ khí, điện nước…) phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú. Các phương tiện giao thông hạn chế lưu thông trong phạm vi 10 phường trên khi không cần thiết.
Ảnh minh họa. |
Đối với việc phân vùng đi chợ, người dân các phường: Trần Phú, Lê Thanh Nghị chỉ được đi chợ Hải Tân; Nguyễn Trãi, Quang Trung đi chợ An Ninh; Phạm Ngũ Lão đi chợ Thanh Bình, Hội Đô; Thanh Bình, Tân Bình đi chợ Thanh Bình; Trần Hưng Đạo, Ngọc Châu đi chợ Phú Lương.
UBND phường cấp thẻ đi chợ cho các hộ theo ngày chẵn, lẻ. Tổ quản lý chợ sẽ thu thẻ, bảo quản riêng để phòng tránh lây nhiễm. Người dân thuộc 15 phường, xã còn lại không đi chợ thuộc địa bàn 10 phường trên.
Tất cả 25 phường, xã tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định phòng chống dịch của đơn vị quản lý chợ. Chợ chỉ được phép bày bán mặt hàng lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm. Các chợ phải đóng các cổng phụ, chỉ mở cổng chính để kiểm soát việc phòng chống dịch.
Việc tạm dừng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu thực hiện theo Quyết định 3378/QĐ-UBND ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh và Quyết định 3405/QĐ-UBND ngày 24/5/2021 của UBND thành phố.
Với 10 phường nội thành, các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động gồm kinh doanh siêu thị tổng hợp (trừ hoạt động vui chơi, ăn uống trong siêu thị), siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa; kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm tươi sống, nước uống đóng chai, đóng bình; kinh doanh thuốc chữa bệnh, vật tư y tế; kinh doanh xăng dầu, gas; kinh doanh giấy vệ sinh, tã, bỉm; kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Các lĩnh vực kinh doanh thông qua giao hàng trực tiếp tại công trường, trang trại như vật liệu xây dựng; vật tư, trang thiết bị ngành điện, nước, đồ kim khí; vật tư nông nghiệp. Dịch vụ chuyên chở hàng hóa thiết yếu, vật tư, sản phẩm cung cấp cho doanh nghiệp; dịch vụ cung cấp điện, nước (trừ thu tiền điện, nước trực tiếp tại quầy).
Các dịch vụ ngân hàng, kho bạc, công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, thu gom chất thải, dịch vụ khách sạn, tang lễ (trừ dịch vụ vui chơi, giải trí, làm đẹp, massage, game trong khách sạn).
Chủ tịch UBND các phường, xã trực tiếp làm việc với các tổ “Covid cộng đồng”, phân công nhiệm vụ cụ thể theo địa bàn cho từng tổ. Các thành viên trong tổ tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, rà soát, kiểm tra và báo cáo kịp thời các trường hợp ho sốt trong cộng đồng và người dân đến từ vùng dịch. Tổ kiểm tra cơ động của phường, xã kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về giãn cách xã hội, sử dụng thẻ đi chợ và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.