Tổng Giám đốc VICEM: Các bộ cơ bản đồng ý cho "hồi sinh" tòa tháp nghìn tỷ đồng

Liên quan đến đề xuất "hồi sinh" tòa tháp nghìn tỷ đồng của VICEM, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của 4 bộ và UBND TP Hà Nội để hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ...
VICEM chính thức có tân Chủ tịch Hội đồng thành viên Chủ tịch VICEM Bùi Hồng Minh giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Chiều 16/6, ông Lê Nam Khánh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô liên quan đến đề xuất tiếp tục hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM (tòa tháp VICEM - lô 10E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội) để khai thác.

Theo ông Khánh, hiện nay VICEM và các đơn vị thành viên đang thiếu trụ sở làm việc. Hiện trụ sở văn phòng xây dựng từ năm 1980 đã xuống cấp, diện tích chật hẹp, nằm trong lộ giới an toàn đường sắt nên không đảm bảo an toàn giao thông.

Tổng Giám đốc VICEM: Các bộ cơ bản đồng ý cho "hồi sinh" tòa tháp nghìn tỷ đồng
Tòa tháp VICEM hiện đang bị bỏ hoang.

Mặt khác, trụ sở mới sẽ đáp ứng được quy mô phát triển của doanh nghiệp, có không gian làm việc, phòng họp, văn phòng giao dịch, giới thiệu sản phẩm.

Lãnh đạo VICEM cũng cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tổng công ty đã đề xuất Bộ Xây dựng và được bộ chấp thuận. Sau đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục hoàn thiện dự án.

"Văn phòng Chính phủ sau đó đã có văn bản gửi các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội xin ý kiến về dự án. Hiện một số bộ đã có văn bản gửi về Văn phòng Chính phủ, theo tôi nắm được, cơ bản các bộ và TP Hà Nội đều đồng ý cho hoàn thiện dự án. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có ý kiến", ông Khánh cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM được tổng công ty này đầu tư từ năm 2010 trên khu đất rộng gần 8.500m2, diện tích xây dựng là 2.800m2; quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm. Tổng mức đầu tư ban đầu là 1.951 tỷ đồng, sau đó, trong quyết định năm 2011 được điều chỉnh lên 2.743 tỷ đồng.

Năm 2011, dự án được khởi công, tuy nhiên sau khi hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm, phần thân công trình thì bị dừng từ 8/2015 đến nay. Ở giai đoạn sau đó, VICEM đã nhiều lần đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lập phương án, tìm đối tác chuyển nhượng dự án để hoàn vốn.

Sau đó, Bộ Xây dựng cũng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho VICEM chuyển nhượng vào tháng 3/2017. Tuy nhiên, hoạt động này không thực hiện được do dự án gặp nhiều vướng mắc về pháp luật đầu tư, đất đai, việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất thuộc doanh nghiệp Nhà nước.

Trên cơ sở đó, nhằm tránh lãng phí, VICEM đã đề nghị được tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án. Nếu được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ rà soát lại dự án cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, tuân thủ pháp luật.

Về kết quả sản xuất, kinh doanh, trong 5 tháng đầu năm 2023, sản xuất xi măng của VICEM đạt 25,8 triệu tấn, tiêu thụ đạt 25,8 triệu tấn. Kết quả, công ty ghi nhận 40.178 tỷ đồng tổng doanh thu và nộp ngân sách 1.849 tỷ đồng.
Hậu Lộc
Phiên bản di động