Tin tức trong ngày 10/9: Thu thập vân tay làm thẻ căn cước công dân theo phương thức mới
Tướng Tô Lâm: "Cấp 50 triệu thẻ căn cước trong 1 năm để bỏ sổ hộ khẩu" |
Từ ngày 1/11, thu thập vân tay làm thẻ căn cước theo phương thức mới
Dự kiến ngày 1/11, Bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc; sử dụng thẻ chíp điện tử đảm bảo tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng.
Bộ Công an cho biết, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Căn cước công dân (CCCD), đây là cơ sở để lực lượng công an khẩn trương triển khai thực hiện song song cùng với dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc |
Đến nay, Cơ sở dữ liệu về dân cư đã được đẩy nhanh tiến độ thu thập, cập nhật bảo đảm thông tin dân cư được chính xác. Toàn lực lượng đã thu thập được trên 90% phiếu thu thập thông tin dân cư (DC01) và cập nhật được gần 7 triệu phiếu cập nhật thông tin dân cư (DC02). Hiện nay, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng tại Hà Nội và TPHCM.
Dự kiến, tháng 2/2021, Bộ Công an sẽ báo cáo kết quả với Chính phủ, bấm nút khởi động hai hệ thống và vận hành thử nghiệm; tháng 7/2021 sẽ đi vào hoạt động chính thức.
Công an các đơn vị, địa phương dự kiến sẽ cấp khoảng 50 triệu thẻ CCCD trên phạm vi toàn quốc, hoàn thành trước 1/7/2021.
Bộ Y tế công khai giá trang thiết bị y tế
Giá bán tất cả trang thiết bị y tế tại Việt Nam được công khai trên Cổng thông tin của Bộ Y tế kèm cấu hình, tính năng kỹ thuật và các yếu tố cấu thành xác định giá. Những thông tin này giúp các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán phù hợp, khắc phục tình trạng đội giá trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Vấn đề công khai giá trang thiết bị y tế là một trong những bước đi quan trọng làm lành mạnh, minh bạch thị trường trang thiết bị y tế. Bộ Y tế đã chỉ đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn, doanh nghiệp để từng bước công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế.
Trang thiết bị y tế trên thị trường Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu. Những năm qua, thị trường thiết bị và vật tư y tế tăng trưởng mạnh. Tổng vốn đầu tư trang thiết bị y tế năm 2010 là 515 triệu USD, đến năm 2019 tăng lên 1,68 tỷ USD, gấp ba lần so với gần 10 năm trước.
Từ tháng 4 đến nay, Bộ Y tế đã công khai kết quả đấu thầu trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin. 50.000 trang thiết bị y tế được công khai giá trúng thầu, làm cơ sở cho các cơ quan chức năng và bệnh viện tra cứu.
Hà Nội hỗ trợ giảm giá nước sinh hoạt cho đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc hỗ trợ để giảm giá nước sinh hoạt cho một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, hỗ trợ để giảm giá 100% cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố; các hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo quy định của thành phố Hà Nội) ở mức sinh hoạt 1 (tối đa 10m3/hộ gia đình).
Thời gian thực hiện trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6) và sẽ được hỗ trợ để giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiếp theo.
Hà Nội hỗ trợ giá nước sinh hoạt cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 |
UBND TP Hà Nội đề nghị các đơn vị cấp nước tổ chức triển khai việc hỗ trợ để giảm giá 100% cho một số đối tượng được hỗ trợ, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch. UBND các quận, huyện, thị xã cung cấp danh sách các hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các đơn vị cấp nước; tuyên truyền, khuyến khích các đơn vị cấp nước trên địa bàn triển khai thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, thành phố về việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội…
Năm 2023 sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay cho bản giấy
Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 612/QĐ-BNV ngày 4/9/2020 về kế hoạch triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Kế hoạch được ban hành làm cơ sở thực hiện việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trên cơ sở mục tiêu điện tử hóa hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia ở các lĩnh vực khác…
Theo mục tiêu cụ thể của kế hoạch, năm 2020, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Năm 2021, hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước tại Bộ Nội vụ; các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu; các giải pháp kỹ thuật mật mã để bảo mật dữ liệu lưu trữ và dữ liệu trao đổi thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Năm 2022 và các năm tiếp theo, đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào quản lý và khai thác sử dụng.
Đến năm 2023, sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, sơ yếu lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu bầu cử...