Tiếp nhận nhiều kỷ vật, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của cố họa sĩ Bùi Trang Chước
Xúc động buổi lễ trao trả kỷ vật cho những cán bộ "đi B" Cộng đồng chia sẻ ký ức sẽ phát huy tốt nhất giá trị của di sản |
Những kỷ vật, tư liệu quý giá
Hướng đến kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) và 108 năm ngày sinh của vị họa sĩ tài ba Bùi Trang Chước (21/5/1915 – 21/5/2023), sáng 12/5, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III tổ chức giới thiệu và tiếp nhận tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Bùi Trang Chước do gia đình trao tặng.
Tham dự sự kiện có Trung tướng – Anh hùng Phạm Tuân, họa sĩ Trần Ngọc Linh (học trò họa sĩ Bùi Trang Chước) cùng gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước và tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III...
Các vị Đại biểu, khách quý chụp ảnh với tác phẩm chân dung Bác Hồ của cố họa sĩ Bùi Trang Chước |
Họa sĩ Bùi Trang Chước (Nguyễn Văn Chước) sinh ngày 21/5/1915, là người con của thôn Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông đã tốt nghiệp loại xuất sắc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1941. Ra trường, ông đã trở thành thầy giáo giảng dạy tại trường Kiến trúc Đà Lạt.
Vị họa sĩ với bàn tay tài hoa top đầu trong nền nghệ thuật hội họa Việt Nam ngày ấy đã dành trọn tâm huyết để họa nên những bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Huy hiệu Bác Hồ vẽ và thiết kế bởi cố họa sĩ Bùi Trang Chước |
Đặc biệt, họa sĩ Bùi Trang Chước còn có nhiều tác phẩm giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh đậm chất nhân văn và dấu ấn lịch sử, trong đó có các tác phẩm: Mẫu Huy hiệu “INTERCOSMOS” và chân dung “HỒ CHỦ TỊCH”; Mẫu huy hiệu Hồ Chí Minh, áp phích 100 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, mẫu huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khung tranh vẽ bằng bột màu Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của Người năm 1970; Mẫu Huy hiệu kỷ niệm 81 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Mẫu tem Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch; Mẫu tiền có vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; Mẫu vẽ thiết kế trang trí mặt tiền Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Anh hùng Phạm Tuân với câu chuyện về bức chân dung Bác
Tại buổi giới thiệu, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III bày tỏ sự vui mừng và sự trân trọng với những kỷ vật quý giá được trao lại cho Trung tâm.
Bà Trần Việt Hoa, GĐ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 tiếp nhận bức chân dung Bác Hồ từ con gái cố hoạ sĩ, bà Bùi Minh Thuỷ |
“Chúng tôi hết sức xúc động khi tiếp nhận những tài liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bản phác thảo, tác phẩm xưa của cố họa sĩ Bùi Trang Chước. Điều này thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng của gia đình, người dân vào khả năng và trách nhiệm của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III trong công tác bảo quản và gìn giữ các hiện vật lịch sử.
Qua những tài liệu, kỷ vật ngày hôm nay, Trung tâm rất mong muốn tổ chức thêm nhiều buổi triển lãm tại các địa phương và nước ngoài. Điều này sẽ lan tỏa vẻ đẹp nghệ thuật của họa sĩ Bùi Trang Chước, đồng thời khơi dậy tình yêu quê hương đất nước và tình yêu của công chúng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh” – Bà Trần Việt Hoa nói.
Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân phát biểu tại buổi lễ giới thiệu |
|
Hoạ sĩ Trần Ngọc Linh - Học trò của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước, bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến những tác phẩm của người thầy được lan toả và khôi phục giá trị nghệ thuật. |
Tại sự kiện này, Trung tướng – Anh hùng Phạm Tuân đã có những chia sẻ chân thành về quá trình sống, chiến đấu và làm việc theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Ông nói: “Tôi có may mắn khi năm 1977 có cơ hội cùng các phi hành gia người Nga bay vào vũ trụ. Theo chỉ thị của nhà nước Việt Nam, tôi đã đem theo hình ảnh của Bác, một nắm đất của Quảng trường Ba Đình lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng và một vài hiện vật khác theo bên mình. Ở trong không gian vũ trụ rộng lớn, hình ảnh của Người vẫn bên cạnh tôi, một người con đất Việt. Tôi quá đỗi tự hào vì hân hạnh là người được đem hình ảnh Bác Hồ và đất nước Việt Nam đến với toàn thế giới năm ấy. Ngày hôm nay, tôi được biết tường tận về người đã vẽ nên tấm hình của Bác năm ấy - đó là họa sĩ Bùi Trang Chước. Cảm ơn cố họa sĩ đã để lại những di sản quý báu về Bác cho con cháu đời sau, giữ gìn kỹ lưỡng, đóng góp cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III để ngày hôm nay chúng ta có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm tuyệt vời về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân cùng con gái cố họa sĩ, bà Bùi Minh Thủy và giám đốc Trần Việt Hoa chiêm ngưỡng, đánh giá những tài liệu, phác thảo cũ của họa sĩ Bùi Trang Chước |
Bà Trần Việt Hoa cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tiếp tục thực hiện các hoạt động trưng bày, xuất bản sách giới thiệu các tác phẩm của Họa sĩ Bùi Trang Chước tới công chúng nhằm phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.
Phác thảo chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Sau Cách mạng Tháng 8/1945, họa sĩ Bùi Trang Chước cùng gia đình chuyển ra Hà Nội và bắt đầu công việc giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Khi toàn quốc kháng chiến, thầy giáo Chước đã lên Việt Bắc theo cách mạng và tiếp tục nghề giáo tại trường Mỹ thuật Liên khu Việt Bắc. Được biết, họa sĩ Bùi Trang Chước dành rất nhiều thời gian cho việc sáng tác nghệ thuật. Ông có vô số tác phẩm có giá trị nghệ thuật và tính ứng dụng cao được sử dụng tới ngày nay. Trong đó, phải kể đến những bản phác thảo mẫu Quốc huy được công nhận là Bảo vật Quốc gia như các mẫu tem thư, tiền giấy, tranh phong cảnh và rất nhiều bức ký hoa, đồ họa khác giàu tính thẩm mỹ... Cả cuộc đời họa sĩ Bùi Trang Chước là một hành trình sáng tạo không mệt mỏi, là một biểu tượng cho sự dâng hiến hết mình của người nghệ sỹ. Ghi nhận tài năng và công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng họa sĩ những phần thưởng xứng đáng. Đó là Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Đặc biệt, gần đây, tên ông đã được đặt thành tên của những con đường ở Thủ đô Hà Nội và Đà Nẵng. Năm 2022, Họa sĩ Bùi Trang Chước vừa được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với thiết kế mẫu "Huân chương" - Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; thiết kế mẫu "Quốc huy Việt Nam" và tác phẩm "Khu gang thép Thái Nguyên". |